Pháp luật

Cần kiên quyết xử lý nạn 'phóng viên giả'

08:55, 13/02/2015 (GMT+7)
Gần đây, ở nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện tình trạng giả danh nhà báo, lợi dụng danh nghĩa nhà báo dọa nạt các doanh nghiệp, cơ quan để đòi tiền với những thủ đoạn tinh vi. Tuy nhiên, sự thật đã được phơi bày khi đại diện cơ quan Công an vào cuộc, hoặc các đơn vị, doanh nghiệp xác minh với các cơ quan báo chí.
 
Được biết, trong vòng gần 2 tháng qua, một phòng truyền thông tại một Tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước đã phải chia người ra gọi điện đến các cơ quan báo chí xác minh các thông tin về phóng viên đến liên hệ quảng cáo, làm trang Tết, xin tài trợ… Điều đáng buồn là không ít trong số những người xưng là phóng viên lại không có trong danh sách phóng viên các cơ quan có giấy giới thiệu đến làm việc. Đại diện phòng truyền thông này cho biết, “điều đó khiến chúng tôi e ngại khi cơ quan báo chí này có việc gì thật sự cần hợp tác”. Việc này đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các nhà báo, phóng viên thực sự.
 
Gần đây, Công an phường Đa Kao, Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) đã chuyển hồ sơ vụ án và đối tượng Nguyễn Thanh Nam (25 tuổi, ngụ Cần Giuộc, Long An) cho Đội CSĐTTP về TTXH (Công an Quận 1) để điều tra mở rộng vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nam lấy tên giả trên mạng xã hội và mạo danh là phóng viên của đài truyền hình lừa đảo nhiều người. Không chỉ tự xưng là phóng viên trực tiếp với nạn nhân, mà trên mạng xã hội, Nam cũng sử dụng lô gô của đài truyền hình để mọi người lầm tưởng. Chính vì giả danh là phóng viên đài truyền hình nên Nam được nhiều người kết bạn trên Facebook và một trong số các bạn trên mạng này đã trở thành nạn nhân của Nam. Từng có hai tiền án về các tội trên, nhưng ra tù, Nam vẫn chưa chịu hoàn lương mà tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo.
 
Đối tượng Nguyễn Thành Nam tại cơ quan điều tra
Đối tượng Nguyễn Thành Nam tại cơ quan điều tra
 
Thực tế, cũng đã có những dẫn chứng về phóng viên giả cấu kết với thầy bói để móc túi nạn nhân; có những đối tượng lợi dụng hội nghị, hội thảo trà trộn vào đội ngũ phóng viên để móc túi, ăn trộm khi giải lao. Rồi có những người ngang nhiên cầm giấy giới thiệu (giả) của các cơ quan báo chí đến liên hệ làm việc, công tác, nhưng sau đó là dọa dẫm, vòi vĩnh. Các đối tượng này thường nghiên cứu và biết được một số thông tin về những đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp có một chút “sự cố”, “sự việc” vừa xảy ra để vin cớ đòi hỏi.
 
Trao đổi với các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nêu ra hàng loạt vụ phóng viên giả nhưng dùng giấy tờ thật, rồi cộng tác viên lợi dụng danh nghĩa phóng viên đi viết bài tống tiền, hoạnh họe doanh nghiệp, vòi vĩnh, bắt nộp quảng cáo… Chuyện "phóng viên giả" hoặc cộng tác viên đi "tác oai, tác quái", gây bức xúc ở rất nhiều cấp chính quyền, đặc biệt là doanh nghiệp đã diễn ra từ lâu, nhưng chỉ có điều, nếu trước kia nó chỉ là "hiện tượng" thì bây giờ, đã trở thành "dịch" và đang gây nhức nhối cho xã hội.
 
Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này, ngoài việc các cá nhân gian dối, lừa đảo, hám lợi, còn có nguyên nhân do các cơ quan báo chi buông lỏng quản lý, như trường hợp một văn phòng đại diện một tờ báo ở Nha Trang (Khánh Hòa) cấp giấy chứng nhận giống y như thẻ nhà báo (có hình quốc huy) cho một đối tượng mà cơ quan chủ quản báo chí khẳng định, không phải người của cơ quan mình.
 
Điều 19a Luật Báo chí quy định rõ các tiêu chí để thành lập các văn phòng đại diện, cơ quan thường trú, trong đó, người được chứng nhận là phóng viên thường trú ở một địa phương nào đó thì phải có thẻ nhà báo, cơ quan báo chí phải có trụ sở tại địa phương đó, có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật để cơ quan, văn phòng đại diện đó hoạt động, phải được sự đồng ý của UBND tỉnh, thành phố nơi cơ quan báo chí xin đặt văn phòng đại diện, cơ quan thường trú.
 
Nhưng trên thực tế hiện nay, nhiều cơ quan báo chí không thông qua địa phương mà vẫn cử phóng viên thường trú ở địa phương. Việc làm đó đã vi phạm cả Luật Báo chí và Nghị định 159, Thông tư 13/2008/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí.
 
Một thực tế đáng buồn nữa là, trong giai đoạn hiện nay, một số tờ báo, tạp chí phải tự chủ về tài chính, nên đã dùng biện pháp "phát canh thu tô", nghĩa là giao khoán cho phóng viên hàng tháng phải nộp một khoản tiền quảng cáo. Phóng viên không làm được lại câu kết với “nhà báo giả” để dùng các chiêu trò đem quảng cáo về.
 
Những trường hợp vi phạm nêu trên gây hậu quả lớn, đặc biệt là làm mất uy tín của nghề báo. Hình ảnh của người làm báo trong công chúng đã phần nào bị ảnh hưởng, bị hạ thấp vì những đối tượng như vậy.
 
Để dẹp nạn" nhà báo giả", ngoài việc tăng cường quản lý của các cơ quan báo chí, cần phải có các quy định pháp luật cụ thể và hình thức xử phạt nặng hơn nữa. Tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, một số điều luật trong lĩnh vực báo chí không còn phù hợp với thực tế; cần bổ sung những điều khoản hợp lý hơn khi nhiều tờ báo phải tự chủ về tài chính và tính “thương mại” trong báo chí đã xuất hiện, nhưng quy định xử phạt chưa đủ sức răn đe.
 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác