Pháp luật

Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân

Tăng cường đối thoại từ cơ sở

09:59, 05/12/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm và thực hiện, đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Bởi vậy, để góp phần giảm tới mức tối đa các vụ khiếu nại, tố cáo, điều đáng quan tâm là việc các cấp chính quyền, ban, ngành phải chung tay giải quyết từ nơi phát sinh, tránh để “điểm nóng” lan rộng.
 
Những vụ kiện không hồi kết
 
Ngày 20/10 vừa qua, tại buổi làm việc của Phó Chánh Thanh tra tỉnh với lãnh đạo UBND huyện Nam Đàn về kiểm tra công tác tiếp công dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài, bên cạnh những ưu điểm trong quá trình thực hiện công tác trên, thực trạng còn tồn tại đó là hiện các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài vẫn còn nhiều. Không chỉ riêng huyện Nam Đàn, tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn một số trường hợp người dân mang đơn đến các cơ quan chức năng để khiếu nại các quyết định của tòa án, UBND tỉnh. Một số vụ việc dù đã có phán quyết rõ ràng, đúng quy định của pháp luật, nhưng người dân vẫn tin rằng lý lẽ của mình là đúng. Bởi vậy, họ chuyển từ khiếu nại sang tố cáo và cứ đi hết cơ quan này đến cơ quan khác để “kiện”. 
Tăng cường tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở sẽ hạn chế các vụ khiếu kiện đông người
Tăng cường tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở sẽ hạn chế các vụ khiếu kiện đông người
 
Đơn cử như trường hợp ông Trần Văn H., từ đầu năm 2012, ông đã gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến bình xét hộ nghèo năm 2012, xây dựng đường giao thông, công tác cán bộ tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Mặc dù các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được các cấp, ngành quan tâm giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
 
Cụ thể, Huyện ủy, UBND huyện Nam Đàn đã trực tiếp chỉ đạo, giải quyết các nội dung theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục của pháp luật; Thanh tra tỉnh đã được UBND tỉnh giao 3 lần chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan để kiểm tra, rà soát sự việc, tham mưu UBND tỉnh xử lý các nội dung theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến ngày 20/10/2014, ông H. vẫn không nhất trí với quyết định đưa ra của các cơ quan, ban, ngành mà tiếp tục “kiên trì” gửi đơn đến các cấp, ngành, yêu cầu được giải quyết “thỏa đáng”.
 
Vụ việc trên chỉ là một trong số rất nhiều những vụ kiện “không và chưa có hồi kết”, mặc dù đã được xử lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, song người dân dường như vẫn không muốn “chấp nhận” vì nguyên nhân muôn thuở “theo cái lý, cái tình thì tôi đúng”…
 
Theo số liệu từ Phòng Tiếp dân và Xử lý sau thanh tra, Thanh tra tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2014, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiếp 4.296 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2013); tiếp nhận 5.589 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh, tranh chấp đất đai (tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2013); với 279 vụ việc (giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2013); đến nay đã giải quyết được 240/279 vụ việc, đạt tỉ lệ 86% số vụ việc phát sinh, nhiều vụ việc phải giải quyết đến lần thứ hai. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đang được UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
 
Không chỉ là lỗi ở dân
 
Điều đáng lưu tâm là trong 9 tháng đầu năm 2014, tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh, tranh chấp liên quan đến đất đai có xu hướng tăng (tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2013). Trong đó, về giải quyết khiếu nại, số vụ việc khiếu nại đúng và có đúng, có sai chiếm tỉ lệ không lớn (tương ứng là 11% và 21,3%). Về giải quyết tố cáo, số vụ việc tố cáo đúng và có đúng, có sai cũng không đáng kể (tương ứng là 7,7% và 24%). Tuy nhiên, những con số “tĩnh” này cho thấy một thực trạng đang tồn tại khá phổ biến hiện nay tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh.
 
Cụ thể: nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì có nhiều, nhưng không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân cơ bản là do một số nơi, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đến thời điểm cuối tháng 10/2014, mặc dù Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ đã quy định, song một số UBND huyện vẫn chưa thành lập Ban tiếp công dân của huyện. 
 
Cũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo 9 tháng đầu năm 2014 đã phát hiện nhiều sai phạm. Về kinh tế, phát hiện sai phạm và đã xử lý 512 triệu đồng (trong đó: Thu hồi vào ngân sách Nhà nước 406 triệu đồng, trả lại cho công dân 6 triệu đồng). Về đất đai, trả lại quyền lợi 10.936 m2 đất cho công dân (tái định cư cho công dân). Về kiến nghị xử lý hành chính, đề nghị các cấp có thẩm quyền kỷ luật hành chính 39 cá nhân và 1 tập thể có sai phạm, đã xử lý 39 cá nhân và 1 tập thể, trả lại quyền lợi cho 26 người.
 
Tăng cường đối thoại, siết chặt quản lý
 
Theo Sở Tư pháp, khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, một số chính quyền cơ sở thiếu quan tâm giải quyết từ nơi phát sinh, dẫn tới có nhiều vụ việc giải quyết chậm do thẩm tra, xác minh sơ sài, chứng cứ thu thập không đầy đủ. Những thiếu sót trên tất yếu dẫn đến kết luận thiếu chính xác, phương án giải quyết thiếu thuyết phục, dân không đồng tình nên tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Nếu vụ việc xảy ra mà cấp cơ sở kịp thời xem xét và giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình, tháo “ngòi nổ” ngay từ nơi phát sinh thì người dân đồng tình chấp thuận và chấm dứt khiếu nại ngay từ cơ sở.
 
Nếu cấp cơ sở không giải quyết hoặc giải quyết không đúng thì người dân khiếu nại lên cấp trên, sự việc sẽ trở nên căng thẳng, phức tạp và khó giải quyết. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu rõ: “Người đứng đầu chính quyền các cấp ở địa phương phải trực tiếp đối thoại với dân để kiên trì giải thích, thuyết phục. Dân ta vốn trọng cả lý, cả tình, do vậy phải đối thoại, đối thoại và đối thoại”.
 
Bên cạnh công tác đối thoại, vừa qua, UBND tỉnh ban hành Quy định chế độ trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tranh chấp đất đai. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án trọng điểm, điển hình như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1.
 
Đây là dự án có khối lượng công việc liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn. Tuy nhiên, với những nỗ lực trong công tác đối thoại và siết chặt quản lý, nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến khiếu nại đã được giải quyết thấu đáo, góp phần giữ vững ANTT ở các địa phương. Đồng thời, góp phần nâng cao sự tín nhiệm của người dân vào sự lãnh đạo của chính quyền, Đảng và Nhà nước.

Hồng Hạnh

Các tin khác