Pháp luật
Khai thác cát trái phép tại huyện Nam Đàn: Dân kêu trời, chính quyền bất lực
(Congannghean.vn)-Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Nam Đàn, trên địa bàn huyện hiện có trên 20 bến cát đang hoạt động nhưng chỉ khoảng 2/3 số bến được cấp phép. Tình trạng này cộng với việc khai thác cát thổ phỉ khiến công tác quản lý khai thác cát, sỏi trên địa bàn huyện Nam Đàn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, sạt lở hai bên bờ sông Lam tiếp tục diễn ra, một số diện tích đất sản xuất bị cuốn trôi khiến người dân bức xúc. Đã đến lúc cần những biện pháp mạnh tay đối với việc khai thác cát trái phép đang diễn ra trên sông Lam, đoạn đi qua huyện Nam Đàn.
Những “công trường” khai thác cát
Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân thôn Hà Long, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn đã quen với việc bất lực nhìn bãi bồi bị cuốn theo dòng nước. Một cụ ông gần 80 tuổi (xin giấu tên) ở thôn này cho biết, trước đây, bãi bồi của xã án ngữ ra khoảng 2/3 dòng sông đang chảy bây giờ.
Khi việc khai thác cát ở khu vực này diễn ra rầm rộ, mỗi ngày có cả chục xà lan, thuyền lớn cắm vòi xuống lòng sông, thậm chí tiến sát bờ để hút cát. Hoạt động này khiến sông Lam đoạn qua xã Vân Diên bị biến đổi dòng chảy, bãi sậy cũng dần dần biến mất. Đến nay, bãi bồi của người dân Vân Diên đã bị lấn sâu vào 50 - 60 m, 5 - 6 ha đất đã biến mất khiến người dân khốn đốn vì thiếu đất sản xuất.
Ông Lê Xuân Hường, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Mặt trận thôn Hà Long xót xa: “Mới năm trước đây thôi, bãi ngô còn kéo dài về phía lòng sông chừng một cây sào. Thế mà giờ, sông đã tiến về phía đê Tả Lam 5 - 6 m, đất vẫn tiếp tục sạt lở. Nếu tình hình này tiếp tục diễn ra, chẳng bao lâu nữa thôn Hà Long sẽ không còn đất bãi để trồng ngô.
Chưa đến 2 km đường sông, đã có gần 10 bến cát hoạt động |
Thời điểm này, hoạt động khai thác cát thổ phỉ đã lắng xuống nhưng mỗi ngày cũng có tới 5 - 6 thuyền hút cát hoạt động hết công suất từ 3 - 5 giờ sáng. Người dân ở đây khổ vì mất đất sản xuất, vì tiếng máy hút cát xình xịch chạy từ sáng sớm trên khúc sông này.
Có những thời điểm, xã tổ chức lực lượng truy đuổi nhưng phương tiện thô sơ, thuyền vừa ra tới nơi thì các đối tượng đã nổ sẵn máy vừa chạy, vừa khiêu khích. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, đề nghị cơ quan chức năng mạnh tay, cấm việc hút cát sạn tại khu vực này nhưng không ăn thua”.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng khai thác cát trái phép còn diễn ra tại một số xã khác của huyện như Nam Thượng, Xuân Lâm, Khánh Sơn... Tại xã Khánh Sơn, khu vực bãi Soi con thuộc các xóm 1, 2, hoạt động khai thác diễn ra nhộn nhịp suốt ngày đêm khiến hiện tượng sạt lở đất khu vực này ở mức báo động, ảnh hưởng đến khoảng 40 hộ dân sống sát bờ sông. Đất canh tác bị thu hẹp, sinh hoạt thường ngày của người dân bị ảnh hưởng, tuyến đê 32 xung yếu trên địa bàn cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Thông tin từ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Nam Đàn cho biết, toàn huyện mới chỉ có 1 đơn vị được cấp phép khai thác là Công ty TNHH Dũng Toàn, với tổng diện tích 14 ha (10 ha tại xã Nam Trung và 4 ha tại xã Nam Thượng). Có 3 đơn vị được cấp phép thăm dò nhưng thực tế, nhu cầu thị trường ngày càng cao, vì miếng cơm manh áo, nhiều chủ tàu vẫn khai thác trộm.
Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ chưa đầy 2 km tính từ chân cầu Nam Đàn, đi ngược dòng Lam phía tả ngạn đã có 8 bến cát hiện đang hoạt động. Hoạt động ngày đêm của máy hút cát, máy múc, xe ôtô khiến người dân sống dọc đê Tả Lam hết sức khổ sở vì ô nhiễm bụi, tiếng ồn, đường sá bị cày xới tan nát.
Chính quyền địa phương đã làm hết sức?
Ông Nguyễn Tất Tư, cán bộ địa chính thị trấn Nam Đàn, cho biết: Thị trấn Nam Đàn hiện có 7 bến cát đang hoạt động. Bình quân, mỗi bến cát phải sử dụng diện tích trên dưới 3.000 m2. Trong số 7 bến này chỉ có 2 bến cát thuộc diện đất do thị trấn quản lý; 5 bến cát còn lại là đất các chủ bến đã hợp đồng với các hộ dân cho thuê lâu năm, tính ra cũng khoảng gần 2 ha đất canh tác.
Chỉ tính riêng Công ty TNHH Dũng Toàn, đơn vị duy nhất được cấp phép khai thác trên địa bàn huyện Nam Đàn đến thời điểm này, mỗi năm cũng nộp vào ngân sách Nhà nước trên dưới 400 triệu đồng. Điều đó cho thấy, nguồn thất thu thuế từ hoạt động khai thác cát sạn trên địa bàn huyện Nam Đàn hàng năm là rất lớn.
Trước tình trạng khai thác cát sạn thổ phỉ diễn ra ngày càng phức tạp, năm 2013, thanh tra liên ngành huyện Nam Đàn đã xử phạt hành chính 6 trường hợp. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ mới 3 đơn vị nộp phạt với số tiền 30 triệu đồng. Năm 2014, một đoàn thanh tra liên ngành tiếp tục được thành lập, đoàn đã phát hiện việc khai thác cát trái phép chủ yếu diễn ra vào ban đêm tại các xã Nam Thượng, Khánh Sơn, Nam Cường, Hồng Long.
Tuy nhiên, với phương tiện thô sơ, khi lực lượng chức năng xuất hiện, các đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát. Sau 2 lần ra quân đẩy đuổi, đoàn thanh tra liên ngành đã bắt quả tang 3 trường hợp khai thác tại khu vực sông Lam thuộc huyện Hưng Nguyên và giao cho Công an huyện Hưng Nguyên xử lý.
Chính quyền địa phương cho rằng, với phương tiện và lực lượng hiện tại, UBND huyện Nam Đàn đã làm hết sức. Tuy nhiên, theo người dân, một phần lỗi để dẫn tới việc khai thác cát bừa bãi, làm thất thoát tài nguyên thuộc về chính quyền địa phương các cấp.
Cụ thể là, nhiều đơn vị chưa được cấp phép khai thác nhưng vẫn được chính quyền địa phương cấp phép bến bãi. Nhiều hộ dân khu vực khối Lam Sơn, thị trấn Nam Đàn lâu nay sống bằng nghề sông nước, khai thác cát, chính quyền địa phương lại không thực sự mạnh tay khiến hoạt động khai thác cát trái phép trở nên hỗn loạn như bây giờ.
Văn Dũng