Pháp luật
Gian nan 'cuộc chiến' không tiếng súng
(Congannghean.vn)-Từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Nghệ An diễn biến hết sức phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thực trạng này gây tâm lý hoang mang trong người dân, đặc biệt là bà con đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT và dấy lên hồi chuông báo động về vấn đề đảm bảo quyền con người.
Lừa tuyển lao động rồi… đem bán
Những năm gần đây, cả nước nói chung, trên địa bàn Nghệ An nói riêng, hoạt động mua bán người đang trở thành một vấn nạn. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, lực lượng BĐBP tỉnh đã điều tra, xác minh hơn 16 vụ, 20 đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán người, trong đó xác lập, đấu tranh thành công 3 chuyên án, bắt 4 vụ, 9 đối tượng, giải cứu 10 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc.
Thời gian qua, hoạt động của tội phạm mua bán người có dấu hiệu gia tăng, tập trung ở địa bàn các vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Qùy Châu, Quế Phong, Con Cuông, Kỳ Sơn.
Điểm diện tội phạm buôn người, có thể thấy đặc điểm chung của loại tội phạm buôn người là cho đến khi bị bắt, chúng đã từng nhiều lần phạm tội. Các đối tượng hoạt động có sự cấu kết, chỉ đạo của “đầu nậu” bên kia biên giới, thường là chủ các “động” mại dâm. Thậm chí, có đối tượng được “đầu nậu” ứng trước tiền để quay về nước tìm nguồn “hàng” đưa sang.
Điển hình: Ngày 30/8/2014, từ đơn tố giác của nạn nhân và tài liệu trinh sát, Công an Nghệ An phá Chuyên án 214N, bóc gỡ đường dây chuyên hoạt động mua bán phụ nữ trái phép sang Trung Quốc, bắt đối tượng Võ Thị Xoan khi thị đang trên đường đưa 11 người trú tại xã Châu Hạnh, huyện Qùy Châu trên đường trốn sang Trung Quốc. Qua đấu tranh, Xoan khai nhận đã cấu kết với một số đối tượng, tổ chức đưa hàng chục người khác ở xã Châu Hạnh sang nước bạn trót lọt.
Nạn nhân của “nạn” mua bán người phần lớn là phụ nữ và trẻ em |
Gần đây nhất, ngày 2/10/2014, Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an tỉnh phối hợp Đội CSGT 1/46 thuộc Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt đã giải cứu thành công 4 nạn nhân trú tại huyện Tương Dương, trong đó có 3 người đang mang thai khi đang trên đường bị đưa bán sang Trung Quốc.
Về phía các bị hại, cuộc sống gia đình khó khăn và nhận thức hạn chế, sự nhẹ dạ, cả tin là điểm yếu khiến họ bị lợi dụng và dễ dàng mắc bẫy những kẻ buôn người thông qua hình thức tuyển lao động đi làm ăn xa với mức lương cao, nhưng thực chất là lừa bán cho các nhà hàng, quán bar và đưa sang Trung Quốc.
Khi đưa các nạn nhân đi, đối tượng không cho họ mang theo tiền, tài sản có giá trị nhằm cắt đứt công cụ và mọi nguồn “viện trợ”, hạn chế việc nạn nhân bỏ trốn. Để chiếm trọn lòng tin của nạn nhân, đối tượng đưa một số tiền “đặt cọc” hay cho ứng trước tiền lương, mua sắm quần áo và các vật dụng có giá trị.
Một mũi tên trúng hai đích khi cùng một lúc, đối tượng vừa dành được sự tin tưởng của nạn nhân lại vừa tạo ra “vũ khí”, sợi dây ràng buộc để sau này ép họ phải phục tùng mọi “yêu sách”. Khi thực hiện hành vi, chúng thường che đậy nhân thân bằng tên tuổi khác khiến quá trình xác minh danh tính đối tượng rất khó khăn.
Nâng cao nhận thức người dân - Giải pháp tối ưu
Hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng diễn ra phức tạp, tinh vi về thủ đoạn và địa bàn. Qua thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, Đại tá Nguyễn Trường Thi, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: “Do địa hình tập trung nhiều đồng bào dân tộc với trình độ nhận thức hạn chế đã gây nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tình trạng mua bán người cho bà con vùng cao |
Mặt khác, công cuộc đấu tranh của các CBCS bị hạn chế do phải hoạt động riêng lẻ, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương bản, xã ở các vùng biên giới trong việc nâng cao nhận thức người dân”.
Như vậy, phòng ngừa tội phạm mua bán người ở các địa bàn vùng cao nói riêng, vấn đề thiếu và yếu lâu nay chính là công tác tuyên truyền. Bên cạnh các biện pháp khác, phải nhìn nhận tuyên truyền chính là cách thức hữu hiệu nhất để phòng ngừa nạn buôn người. Thực tế, việc triển khai các hoạt động như:
Tổ chức phiên xét xử lưu động, công khai; các tổ tình nguyện viên Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên về từng bản làng, trường học theo kiểu “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; việc thành lập các CLB như CLB Lá chắn (Đôn Phục, Con Cuông) đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân về phòng chống tệ nạn buôn người.
Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể quần chúng, triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo bước chuyển biến trong nhận thức người dân về mánh khóe, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, từ đó biết cách phòng tránh.
Tội phạm mua bán người ở các vùng biên giới Nghệ An đang có những diễn biến rất phức tạp. Tính chất và hệ lụy của nó tác động, ảnh hưởng xấu đến mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là những ám ảnh, tổn thương về tinh thần, thương tích về thể xác của các nạn nhân.
Vì thế, trong “cuộc chiến” chống nạn buôn người ở những “điểm nóng” vùng giáp ranh, rất cần sự chung tay vào cuộc của cả người dân và các cấp, ban, ngành, chính quyền địa phương; hướng tới xây dựng những địa bàn “sạch” về nạn buôn người trên khắp địa bàn tỉnh.
Hồng Hạnh