Những năm đầu kể từ khi có Luật Doanh nghiệp ra đời (năm 2005), lợi dụng kẽ hở của luật này, nhiều kẻ lừa đảo thành lập công ty “ma” để mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế… và không ít giám đốc bị ngồi tù về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cũng qua những vụ việc như vậy, cơ quan quản lý nhà nước đã thay đổi cách quản lý chặt chẽ hơn, phù hợp với thực tiễn hơn để chặn đứng những kiểu lừa tương tự. Gần đây, bọn lừa đảo nghĩ ra nhiều chiêu thức mới, không nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước nữa mà chuyển sang lừa các công ty làm ăn chân chính do chính kẻ lừa đảo làm giám đốc thuê.
Qua các vụ việc xảy ra có thể tóm tắt con đường để kẻ lừa đảo trở thành giám đốc thuê cho một công ty nào đó cũng là cả một quá trình, có tổ chức chặt chẽ do nhiều đối tượng cùng tham gia. Mà trước nhất là chúng buộc phải thành lập một công ty “ma” do chính mình làm giám đốc. Sau đó chúng tìm hiểu để chọn con mồi có cùng ngành nghề với công ty mình rồi bàn bạc với đồng bọn thành lập thêm nhiều công ty “ma” khác nữa. Sau khi có tư cách pháp nhân, chúng tạo ra nhiều hợp đồng liên kết làm ăn béo bở rồi tìm cách để “con mồi” biết về công ty mình. Qua vài lần gặp nhau, thấy “con mồi” đã hoa mắt trước những “tiềm năng” mà chúng vẽ ra thì chúng liền đề cập để mình đứng tên giám đốc của công ty “con mồi” để dễ dàng hợp tác làm ăn. Thấy thuận tiện, nhiều chủ tịch hội đồng quản trị của các công ty gật đầu chẳng chút do dự, thế là đã sập bẫy bọn bất lương.
Cơ quan CSĐT đang thụ lý đơn của Công ty cổ phần K.L. tố cáo ông Huỳnh Bửu Tuấn (52 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), trước đây là giám đốc của Công ty K.L. có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 2 tỷ đồng. Cụ thể là sau khi làm giám đốc thuê cho Công ty K.L. (Tuấn còn đứng tên làm giám đốc của một công ty ở quận 7), Tuấn đại diện công ty này ký hợp đồng với Công ty M.M. ở quận 1 do Yên Chí Phàm làm giám đốc.
4 giám đốc công ty “ma” bị Đội 2, PC45, Công an TP HCM bắt giữ |
Theo đó hai bên sẽ hợp tác liên doanh để nhập 15.000 tấn dầu DO 0,25%s bằng hình thức ủy thác về cho Công ty K.L. Công ty M.M. sẽ lo toàn bộ thủ tục pháp lý để mở tín dụng thư (mở L/C) hoặc bảo lãnh thanh toán cho đầu mối nhập khẩu để Công ty K.L. nhập khẩu lô hàng nói trên về Việt Nam. Công ty K.L. thì có trách nhiệm chuyển khoản 1,5 tỷ đồng vào một tài khoản do đại diện giám đốc hai bên là ông Tuấn và ông Phàm cùng đứng tên. Số tiền này chỉ được giải ngân khi bên Công ty M.M. mở xong L/C cho Công ty K.L. Tuy nhiên, sau khi Công ty K.L. chuyển tiền vào buổi sáng thì buổi chiều cùng ngày Tuấn và Phàm đã rút hết số tiền trên.
Hơn một tháng sau, Công ty K.L. phát hiện sự việc nên yêu cầu ông Tuấn hoàn trả lại số tiền này. Ngoài ra, cũng với thủ đoạn tương tự, trước đó, ông Tuấn còn chiếm đoạt của Công ty K.L. thêm 500 triệu đồng nữa. Từ đó công ty K.L. có quyết định bãi nhiệm chức vụ giám đốc của ông Tuấn và chờ ông Tuấn trả lại tiền. Tuy nhiên, sau đó ông Tuấn đã lánh mặt nên Công ty K.L. làm đơn tố cáo. Theo xác minh của cơ quan Công an hiện ông Tuấn không có mặt ở nơi cư trú, còn Yên Chí Phàm là một cái tên “ma”. Bởi lẽ, xác minh tại Công ty M.M. không có ai tên là Yên Chí Phàm làm giám đốc…
Cũng làm giám đốc thuê dạng này là Bùi Chí Hiếu (36 tuổi; quê quán TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) Giám đốc Công ty TNHH Hạnh Mỹ có trụ sở đặt tại quận 3. Biết công ty nơi mình làm thuê có ý định mua một khu đất lớn để làm dự án tái định cư, Hiếu liên hệ với vợ chồng ông Huỳnh Công Lý và bà Phạm Thị Mỹ Thanh để hỏi mua căn nhà số 40/48, Tô Hiệu, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú với giá gần 33 tỷ đồng. Mặc dù Hội đồng quản trị của công ty đồng ý mua và trả tiền cho vợ chồng bà Thanh dứt điểm trong hai đợt, nhưng do có ý định lừa đảo từ trước nên Hiếu thỏa thuận trả tiền chia thành 5 đợt. Để rồi sau đó, khi công ty đã chuyển tài khoản trả hết tiền cho vợ chồng bà Thanh thì Hiếu đề nghị vợ chồng bà Thanh chuyển tiền ngược lại vào tài khoản cho cá nhân mình.
Thấy việc làm của Hiếu là đúng theo hợp đồng nên vợ chồng bà Thanh chấp nhận. Thế nhưng sau đó Hiếu đã rút 10 tỷ đồng trong tài khoản rồi “cao bay xa chạy”…
Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, mà thời gian qua, có khá nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh cũng bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Cách đây không lâu, Đội 2, PC45, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ 3 đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt là Trần Thanh Tâm (tự Quốc, 20 tuổi, quê quán Thanh Bình, Đồng Tháp), Ngô Anh Diện (23 tuổi), Trần Văn Lộc (41 tuổi) và một đối tượng có lệnh bắt khẩn cấp là Lê Hà Nam Sơn (23 tuổi, cùng quê Đồng Tháp) cũng từng là giám đốc của các công ty “ma”.
Theo đó, giữa năm 2013, những đối tượng này tập hợp thêm một số đối tượng khác (chưa bị bắt giữ) để thành lập các công ty “ma” ở tỉnh Đồng Tháp. Sau đó chúng ký kết hợp đồng liên kết, liên doanh với các công ty làm ăn chân chính. Khi các công ty này chuyển tiền vào tài khoản thì chúng rút sạch, chia nhau tiêu xài. Sau khi thực hiện một số phi vụ trót lọt chiếm đoạt số tiền lên đến 7 tỷ đồng thì chúng bỏ trốn lên TP Hồ Chí Minh. Để thỏa thích ăn chơi, chúng thuê căn nhà khá rộng (1 trệt 3 lầu) ở hẻm 410, đường CMT8 (P.11, Q.3) với giá hàng chục triệu đồng để tổ chức ăn nhậu ngày đêm với gái đẹp, rượu ngon. Tại đây chúng bàn bạc dự định sẽ thu nạp thêm nhiều đối tượng mới để thành lập công ty “ma” ở TP Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục lừa đảo nhưng chưa thực hiện thì bị bắt.
“Hiện tại, tội phạm dạng này đang có chiều hướng gia tăng vì vậy mà các công ty cần phải hết sức thận trọng khi thuê giám đốc cũng như tìm hiểu kỹ về năng lực của các đối tác làm ăn để tránh những cú lừa tương tự”- Trung tá Nguyễn Hải Triều, Điều tra viên Đội 8, PC45, Công an TP Hồ Chí Minh, người thụ lý điều tra một số vụ án dạng này đưa ra khuyến cáo.
.