(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) được xã hội ngày càng quan tâm. Tại Nghệ An, công tác bình đẳng giới từ tỉnh đến cơ sở đã được kiện toàn, đi vào hoạt động có nề nếp và chất lượng ngày càng được nâng lên, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình chiến lược bình đẳng giới, tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả tích cực.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã chủ động phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 07 về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bình đẳng giới; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan ban ngành.
Tiêu biểu như Sở LĐ,TB&XH - cơ quan Thường trực Ban VSTBPN đã xây dựng các tin, bài, phóng sự chuyên đề về bình đẳng giới; Sở Giáo dục và Đào tạo đã tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, học sinh thông qua các tài liệu, tuyên truyền, hoạt động ngoại khóa, các chương trình giao lưu liên quan đến công tác bình đẳng giới; Công an tỉnh phối hợp tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, chương trình hành động phòng chống mua bán người, tuyên truyền Luật phòng chống mua bán người đến tận cơ sở và người dân…
Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã làm thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân. Các chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới cũng như các biện pháp phòng ngừa tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em được phổ biến đến tận cơ sở, từng hộ dân và các thôn bản, cộng đồng dân cư ở vùng sâu, vùng xa. UBND tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện lồng ghép các chỉ tiêu chiến lược bình đẳng giới vào nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nữ làm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động việc làm |
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 4670/QĐ-UBND về lồng ghép 20 chỉ tiêu về bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển KT-XH thực hiện từ năm 2015. Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Chiến lược Quốc gia bình đẳng giới đã đạt nhiều kết quả tích cực trên một số lĩnh vực điển hình như lĩnh vực lao động việc làm, xóa đói giảm nghèo, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe…
Trong 3 năm đã giải quyết việc làm cho 104.500 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết được 34.830 lao động. Trong đó lao động nam được tạo việc làm là 57.241 người, lao động nữ là 47.559 người; tỉ lệ lao động nữ ở vùng nông thôn nghèo, dân tộc thiểu số có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 78,8/80% kế hoạch giai đoạn. Các hoạt động đã làm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.
Trên lĩnh vực giáo dục, các hoạt động đã nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ. Đến hết năm 2013, tổng số nam biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 là 3.374.035 người, trong đó tỉ lệ biết chữ nam độ tuổi 15 - 40 vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số đạt 99/95% kế hoạch giai đoạn; tổng số biết chữ nữ độ tuổi 15 - 60 là 3.195.495 người, nữ độ tuổi 15 - 40 vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số đạt 93%.
Các hoạt động nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng được chú trọng. Ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em khi sinh, giảm tỉ lệ phá thai do kém hiểu biết, do lựa chọn giới tính thai nhi. Tỉ số giới tính khi sinh đến nay đã giảm xuống 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái.
Chiến lược thực hiện Quốc gia bình đẳng giới đang trên đà thực hiện sang năm thứ 4, trong quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các sở, cơ quan ban ngành, các thành viên Ban VSTBPN đã thu được nhiều thắng lợi. Với những kết quả đó, phụ nữ Nghệ An đã ngày càng vươn lên giữ vị trí quan trọng trong tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, góp phần to lớn vào sự phát triển bền vững của tỉnh nhằm giảm dần sự bất bình đẳng giữa nam và nữ.