Pháp luật
Chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng
07:53, 10/05/2014 (GMT+7)
Thực tiễn cho thấy, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Thực trạng này đòi hỏi trong thời gian tới phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa, nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác phòng, chống và xét xử các vụ án tham nhũng.
Theo TAND Tối cao, trong thời gian qua, công tác xét xử các vụ án tham nhũng của các Tòa án đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả quan trọng. Các vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử công khai, trong đó có những vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân như: Vụ án Nguyễn Văn Tuyên cùng các bị cáo khác, phạm tội “Tham ô tài sản” tại Công ty công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh thuộc Vinashins; vụ án Vũ Quốc Hảo cùng các bị cáo, phạm tội “Tham ô tài sản” tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; mới đây nhất là vụ án Dương Chí Dũng cùng các bị cáo khác phạm tội “Tham ô tài sản” tại Vinalines...
Án tham nhũng gia tăng, án treo vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn
Phân tích số liệu thống kê từ năm 2012 đến năm 2013 cho thấy, số vụ án và số bị cáo phạm tội năm sau tăng cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2012, xét xử 245/513 bị cáo, tăng so với năm 2011 là 25 vụ/28 bị cáo; năm 2013, xét xử 281 vụ/552 bị cáo, tăng so với năm 2012 là 364 vụ/39 bị cáo và 6 tháng đầu năm 2014, đã xét xử 101/295 bị cáo.
Một số vụ án dư luận xã hội quan tâm nhưng việc truy tố và đưa ra xét xử còn chậm; kết quả thu hồi tài sản bị thiệt hại do tham nhũng gây ra đạt tỷ lệ thấp (riêng năm 2013 đạt dưới 10%); hình phạt áp dụng đối với một số bị cáo còn chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; án treo tuy đã giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn (trung bình gần 30%)...
Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, đa số các vụ án tham nhũng là những vụ án rất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, thường có nhiều đối tượng tham gia, có sự cấu kết chặt chẽ, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn; do đó, công tác xét xử cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Dương Chí Dũng cùng các bị cáo khác đã nhận bản án nghiêm khắc khi phạm tội “Tham ô tài sản” tại Vinalines |
Trong đó, phải kể đến việc áp dụng các quy định của BLHS về chương “Các tội phạm về chức vụ”, cùng các tội phạm về tham nhũng hiện còn nhiều vướng mắc về định tội danh đối với một số tội có cấu thành tội phạm tương đối giống nhau như: Tội tham ô tài sản (Điều 278), Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 280), “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 282)...;hoặc xác định các tình tiết định khung hình phạt vẫn mang tính “định tính”. Đồng thời, việc xác định người có chức vụ, quyền hạn có hành vi chiếm đoạt tài sản trong các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước dưới 50% không được phân định, tách bạch rõ ràng để xác định tội danh..., đã gây khó khăn trong công tác xét xử các vụ án tham nhũng.
So với các tội tham nhũng khác thì tội “nhận hối lộ” (Điều 279 BLHS) có tính chất đặc biệt. Đây là mối quan hệ mà hai bên cùng có lợi, thường chỉ giữa hai người (người đưa và người nhận), nếu hai đối tượng này không tự “tố cáo” thì việc phát hiện và chứng minh hành vi phạm tội là vô cùng khó khăn. Có nhiều trường hợp, cơ quan chức năng chỉ xử lý được hành vi đưa hối lộ mà không xử lý được hành vi nhận hối lộ và ngược lại. “Điều này làm cho thực tiễn đấu tranh với tội nhận định gặp khó khăn, chưa triệt để và chưa đạt hiệu quả cao”, Phó Chánh án Nguyễn Sơn nhận định.
Mới đây, trong phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Dương Chí Dũng và các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, bản thân vị Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng phải thừa nhận, việc chứng minh hành vi đưa tiền “lại quả” của bị cáo Trần Hải Sơn cho hai bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) và Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines) là rất khó khăn. Bởi đặc thù của vụ án là điều tra truy xét, những người thực hiện đa số là những người có chức vụ, quyền hạn mà không có ai tự tố giác; trong quá trình điều tra không ai nhận tội. Vì vậy, việc thu thập, đánh giá chứng cứ rất phức tạp, phải tập hợp các căn cứ bắt đầu bằng hành vi cố ý làm trái và tập hợp lời khai từ các nhân chứng khác.
Ở một khía cạnh khác, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong lại chỉ ra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, song trước hết, nguyên nhân chủ quan thuộc về năng lực công tác, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ tiến hành tố tụng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa làm hết trách nhiệm; cá biệt còn có những trường hợp vì động cơ tư lợi dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không đưa người phạm tội ra xử lý. Minh chứng cho điều này là kết quả từ năm 2010 đến 2013, VKSND Tối cao đã phát hiện, khởi tố, điều tra 76 vụ án với 86 bị can phạm tội tham nhũng trong hoạt động tư pháp
Thực tiễn cũng cho thấy, việc giải quyết các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, xây dựng cơ bản, tài nguyên, khoáng sản ... hầu hết đều phải tiến hành trưng cầu giám định và chờ kết quả giám định mới đủ căn cứ giải quyết vụ án. Về vấn đề này, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng, phương tiện, quy trình, quy chuẩn giám định ở một số lĩnh vực này hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, rất khó khăn để bóc tách, xác định mức độ tham nhũng và thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra.
Chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng
Vì vậy, để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có sự chuyển biến rõ rệt, đồng thời nâng cao chất lượng xét xử các vụ án tham nhũng trong thời gian tới, theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng nói chung và công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng nói riêng.
Cùng với đó, sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS liên quan tới các tội phạm về tham nhũng, các tội phạm chức vụ cho phù hợp với các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; tăng cường tính minh bạch trong điều tra; bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ; đặc biệt là Thẩm phán. Đối với Thẩm phán để vụ án tham nhũng quá thời hạn xét xử hoặc cho các bị cáo được hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, cần được xem xét, làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc; xử lý nghiêm và không cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người phạm tội tham nhũng mà không chủ động khai báo, không tự giác nộp lại tài sản...
Thực tế cũng cho thấy, trong quá trình đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, các cán bộ tư pháp phải thường xuyên tiếp xúc với mặt trái của xã hội, với những cám dỗ vật chất. Do đó, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng, từng cơ quan tố tụng phải xây dựng và thực hiện nghiêm ngặt các chế độ kiểm tra, kiểm soát cán bộ. Mặt khác, cần bảo đảm sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan trong việc phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án có dấu hiệu phạm tội tham nhũng; thiết lập cho được các cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hình sự, hiện thực hóa yêu cầu không thể bỏ lọt tội phạm và không dám bỏ lọt tội phạm tại Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)...
Phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu rõ: “Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Một khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất thiết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm. Trước mắt, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo đúng quy định của pháp luật. Quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: Có vụ việc thì phải được xác minh làm rõ; có dấu hiệu phạm tội là phải được tiến hành điều tra; có kết luận điều tra thì phải xem xét truy tố; có cáo trạng thì phải được nghiên cứu đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời…”.
Có thể thấy, cùng với những khó khăn, hạn chế hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trong thời gian tới cũng sẽ gặp nhiều thách thức khi tình hình tham nhũng được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, với tính chất và thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Vì vậy, trong tình hình hiện nay, việc phát hiện và xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu, có tác dụng tích cực để răn đe, phòng ngừa và đẩy lùi tham nhũng, góp phần vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Theo số liệu thống kê của TAND Tối cao, trong 5 năm (2009 - 2013) và 6 tháng tính từ quý IV năm 2013, đến quý I năm 2014 (1/10/2013-31/3/2014), các Tòa án đã thụ lý sơ thẩm tổng số 2.041 vụ án/5.120 bị cáo bị truy tố về các tội phạm tham nhũng, đã xét xử được 1.405 vụ/3.129 bị cáo, đạt bình quân hàng năm là 69% số vụ và 61% số bị cáo. Trong tổng số các vụ án tham nhũng thì tội “Tham ô tài sản”, chiếm tỷ lệ cao nhất với 48% số vụ và 43,1% số bị cáo; tiếp đến là các tội “Nhận hối lộ”; “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”... |
Nguồn: dangcongsan.vn