Pháp luật
Cảnh báo XKLĐ 'chui' bằng đường du lịch
08:34, 04/05/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-XKLĐ là một trong những vấn đề đang được người dân quan tâm, góp phần cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, do thiếu thông tin về hoạt động xuất khẩu, không ít người dân đã bị các đối tượng môi giới đưa sang nước ngoài lao động bằng con đường bất hợp pháp.
Hơn 10 ngày đã trôi qua nhưng không khí đau thương vẫn đang bao trùm lên gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Tuân, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Nguyễn Văn Tuân là một trong 5 người Việt Nam đã tử nạn trên đường vượt biên từ Malaysia về nước.
Bắt đầu từ việc tin lời người quen, anh Tuân đã đóng tiền xuất cảnh sang Malaysia để tìm kiếm việc làm mà không hề biết rằng, đây là con đường xuất khẩu lao động bất hợp pháp. Khi thời hạn nhập cảnh qua con đường du lịch đã hết, anh phải tìm mọi cách để trốn các cơ quan chức năng của Malaysia và cuối cùng là trốn về nước. Anh Tuân đã tử nạn trong vụ lật thuyền trên sông Mê Kông vào ngày 13/4 vừa qua. Những giọt nước mắt của người thân giờ đây đã quá muộn. Ông Nguyễn Văn Tuấn - bố của anh Nguyễn Văn Tuân đau xót: Vì chỗ người quen nên gia đình tin tưởng, nộp cho người môi giới 13 triệu đồng mà không có giấy tờ gì. Gia đình cũng hoàn toàn không biết đây là đường dây XKLĐ dởm!
Anh Phan Xuân Cường - xóm 4, Diễn Nguyên, Diễn Châu (áo đen ở giữa) - một trong những người bị bà Mai lừa đi XKLĐ bằng đường du lịch, may mắn về nước an toàn trao đổi với P.V |
Trong năm 2013, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu có tới hơn 20 lao động nhập cảnh vào Malaysia bằng đường du lịch thông qua một người môi giới là bà Đặng Thị Mai - người từng là công dân của xã, nay đã lấy chồng và cư trú tại xã Phú Thành, huyện Yên Thành. Rẻ và nhanh gọn, đó là 2 tiêu chí mà người môi giới đã khiến nhiều nông dân thật thà ở xã Diễn Nguyên nhắm mắt nghe theo mà chẳng cần khảo sát chính xác các thông tin khác. Và khi đặt chân đến đất Malaysia, người lao động mới vỡ lẽ thì mọi sự cũng đã rồi. Anh Phan Xuân Cường - xóm 4, xã Diễn Nguyên, Diễn Châu cho biết: Bọn em đến nơi, 2 ngày sau được nhận vào một công ty, làm 1 tháng thấy không có lương, hỏi chủ thì bảo cứ gắng đợi, hỏi mấy lần thì chủ gọi Công an đến bắt bọn em luôn.
Cũng như hoàn cảnh của anh Cường, nhiều lao động xuất cảnh sang Malaysia bằng đường du lịch khi biết mình bị lừa muốn tìm đường về nước nhưng họ không thể. Trong khi người nhà luôn sống trong tình cảnh lo lắng cho số phận của họ nơi đất khách quê người.
Lâu nay, tại khá nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng môi giới xuất khẩu lao động bằng con đường du lịch. Chiêu bài của các đối tượng môi giới là dụ dỗ người lao động bằng mối quan hệ quen biết và các thỏa thuận miệng có vẻ có lợi cho người dân. Đây là những thỏa thuận mang tính cá nhân nên chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng rất khó quản lý, giám sát. Cơ quan điều tra cho biết, đã và đang tiếp tục xác minh để làm rõ vụ việc này.
Ngọc Dũng