Pháp luật
Bác bỏ những luận điệu xuyên tạc
(Congannghean.vn)-Những ngày đầu tháng 5, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không những vậy, Trung Quốc còn huy động một lực lượng lớn tàu để hỗ trợ, bảo vệ giàn khoan và tấn công các tàu thuộc lực lượng kiểm ngư của Việt Nam. Trước tình hình đó, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Để thực hiện được mục tiêu đó, bằng một sự tính toán khôn khéo, Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông là thông qua hòa bình, đối thoại dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với âm mưu lợi dụng vấn đề tranh chấp biển Đông để chống phá Việt Nam, các đối tượng chống đối, thù địch đã và đang tìm mọi cách để xuyên tạc chủ trương này, cho rằng chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông thông qua hòa bình, đối thoại là sự “nhu nhược”, “hèn nhát” của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Từ đó chúng hô hào, kích động quần chúng xuống đường biểu tình dưới danh nghĩa phản đối Trung Quốc rồi tìm cách chuyển thành biểu tình chống Nhà nước, thậm chí còn kêu gọi mọi người “quay lưng” lại với chủ trương của Đảng, cần “đánh” để bảo vệ chủ quyền…
Thực chất đây là những hoạt động lợi dụng lòng yêu nước của quần chúng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình gây mất ổn định xã hội. Xoay quanh vấn đề này, thiết nghĩ cần thống nhất một số vấn đề sau:
Trước hết, cần phải khẳng định chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông thông qua hòa bình, đối thoại là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Quan điểm đó phù hợp với Hiến chương của Liên Hợp quốc, công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 và phù hợp với tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (ký giữa ASEAN và Trung Quốc, gọi tắt là DOC) đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việc Đảng và Nhà nước ta lựa chọn chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông thông qua hòa bình, đối thoại thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý mới công bằng.
Đây là cơ sở cho việc phát triển kinh tế biển bền vững, đồng thời bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh và các quyền lợi trên biển của ta. Chủ trương giải quyết đó được các nước trên thế giới ủng hộ. Mặt khác, vấn đề biển Đông là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm, dễ dàng bùng nổ dẫn đến xung đột, mâu thuẫn. Đây không chỉ quan hệ giữa một hay hai nước mà liên quan đến nhiều nước khác, đến an ninh, an toàn hàng hải nếu chúng ta không xử lý tốt đẹp sẽ liên quan đến độc lập chủ quyền quốc gia, hòa bình, ổn định và phát triển đất nước.
Vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam lựa chọn con đường hòa bình và đối thoại là hết sức đúng đắn. Với con đường này, Nhà nước cũng đang không ngừng thông qua quan hệ ngoại giao, vận động chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế lên án mạnh mẽ những hành động sai trái của Trung Quốc trên biển Đông.
Mỗi người dân Việt Nam hãy thể hiện lòng yêu nước bằng “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh” |
Vấn đề thứ hai cần phải khẳng định đó là, mặc dù Đảng và Nhà nước Việt Nam lựa chọn chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông thông qua hòa bình, đối thoại nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Việt Nam “nhu nhược”, “hèn nhát”. Trước những hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều hình thức để kịch liệt phản đối và lên án.
Trong các bài phát biểu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn khẳng định nhất quán lập trường của Việt Nam là: "Quyền lợi về kinh tế có thể thương lượng, thỏa hiệp nhưng chủ quyền quốc gia, dân tộc là thiêng liêng, là bất di bất dịch, bất khả xâm phạm, không được để mất dù chỉ là một cen-ti-mét trên mảnh đất biển đảo thiêng liêng”.
Không chỉ dừng lại ở những lời phát biểu, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã tăng cường năng lực phòng thủ của đất nước với những hợp đồng mua sắm vũ khí "có hạng" trên tinh thần Việt Nam không dùng vũ khí hiện đại để đe dọa bất cứ một quốc gia nào. Nhưng nếu quốc gia nào xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam sẽ phải trả cái giá vô cùng đắt. Đây chính là sự thể hiện tinh thần an ninh chủ động, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống "muốn hòa bình hãy chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh, tránh chiến tranh nhưng có thứ để mà chiến tranh".
Như vậy, những luận điệu tuyên truyền Đảng, Nhà nước Việt Nam “nhu nhược”, “hèn nhát” trong giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông là hoàn toàn sai trái, bịa đặt. Đây thực chất là các luận điệu tuyên truyền phá hoại tư tưởng, thể hiện âm mưu thâm độc của đối tượng thù địch lợi dụng việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông để chống phá Đảng, chống phá Nhà nước Việt Nam, nhằm làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lí xã hội của Nhà nước.
Là những người dân Việt Nam yêu nước, chúng ta cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu và thủ đoạn hoạt động thâm độc của các thế lực thù địch, đồng thời tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông của Đảng và Nhà nước, đóng góp thiết thực vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hồ Anh Tuấn
(Giảng viên Học viện ANND)