Pháp luật

Tỉnh táo trước những lời đường mật

08:21, 12/04/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)- Nhờ sự tấn công mạnh mẽ của các lực lượng chức năng vào các đường dây, đối tượng mua, bán người nên tình trạng lừa đảo, mua, bán người đã giảm. Tuy nhiên, các đối tượng ma mãnh đã chuyển sang môi giới hôn nhân bất hợp pháp giữa phụ nữ Việt Nam và đàn ông Trung Quốc để tiếp tục lừa đảo. Đáng buồn thay, trước những viễn cảnh hão huyền được vẽ ra, nhiều cô gái thôn quê, vùng cao đã mờ mắt, dấn thân sang xứ người.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao, trong những năm qua, tình hình hoạt động môi giới hôn nhân bất hợp pháp giữa phụ nữ Việt Nam và đàn ông Trung Quốc ngày càng gia tăng phức tạp. Theo ước tính đã có khoảng 30.000 “cô dâu Việt” tập trung tại các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây. Phần lớn họ là các phụ nữ trẻ ở các tỉnh phía Bắc và Nam bộ được môi giới qua Trung Quốc lấy chồng bất hợp pháp.

Tuy nhiên, các đường dây môi giới bất hợp pháp này thường lợi dụng môi giới hôn nhân để bán vào nhà thổ hoặc cho những người đàn ông Trung Quốc. Những phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc không được pháp luật thừa nhận hôn nhân, thường chỉ sống như những nô lệ phục vụ nhà chồng.

Nghệ An tuy không phải là địa phương trọng điểm về tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp nhưng cũng đã xuất hiện hiện tượng phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa chấp nhận theo những đối tượng môi giới sang Trung Quốc lấy chồng. Thay vì lừa đảo các nạn nhân đi làm ăn xa có thu nhập cao rồi lợi dụng sự không hiểu biết của họ để đưa sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch thì nay, các đối tượng vẽ ra viễn cảnh lấy chồng Trung Quốc giàu có, chỉ việc “ngồi mát ăn bát vàng”.

Các đối tượng còn sẵn sàng chi trả cho gia đình hoặc nạn nhân hàng chục triệu đồng nếu đồng ý lấy chồng Trung Quốc. Trước những lời đường mật và lợi ích trước mắt, các cô gái trẻ người non dạ lập tức tin và đồng ý giao thân cho những đối tượng lừa đảo, có những gia đình còn ép buộc con gái mình xuất ngoại khi đã nhận tiền từ tay các đối tượng. Có được sự đồng ý của các cô gái, các đối tượng lừa đảo thoái mái trong việc đưa người xuất cảnh qua các cửa khẩu mà không phải lén lút như buôn người.

Một số đối tượng trong đường dây đưa người sang Trung Quốc ra hầu tòa

Sang đến nơi, có thể có những cuộc gặp mặt của các cô gái với đàn ông Trung Quốc muốn lấy vợ nhưng cũng có thể các cô gái bị bán ngay cho nhà chứa hoặc gia đình nông dân nghèo Trung Quốc. Tại gia đình này, các cô gái có thể trở thành nô lệ theo đúng nghĩa đen khi phải phục vụ tình dục cho toàn bộ đàn ông trong nhà và lao động quần quật suốt ngày trong sự giám sát chặt chẽ. Qua mỗi phi vụ như thế, các đối tượng thu lợi cả trăm triệu đồng.

Theo thống kê chưa đầy đủ thì Nghệ An đang có hàng chục phụ nữ “mất tích” không rõ lý do. Tại các xã vùng cao luôn có phụ nữ biến mất khỏi địa bàn, có xã vài ba người nhưng có xã lên tới hàng chục người. Theo phán đoán thì những phụ nữ này có thể là nạn nhân của nạn lừa đảo buôn người, nhưng cũng không ít người tự nguyện sang Trung Quốc lấy chồng.

Cuối năm 2013, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử đường dây mua, bán phụ nữ, trẻ em do Lương Thị Nhung (SN 1988) ở xã Đôn Phục, huyện Con Cuông cầm đầu. Tại phiên tòa, những người có mặt thật sự bàng hoàng trước sự ngờ nghệch của các cô gái khi họ sẵn sàng sang Trung Quốc lấy chồng với giá 20 triệu đồng. Đó là Mong Thị L. (SN 1985) ở xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tuy đã có chồng con nhưng khi gặp Lương Thị Nội (SN 1975) trú huyện Kỳ Sơn (đối tượng trong đường dây của Lương Thị Nhung) dụ dỗ sang Trung Quốc lấy chồng giàu sang, L. nổi lòng tham, đồng ý bỏ chồng, bỏ con sang Trung Quốc và được Nhung trả 20 triệu đồng.

Sang Trung Quốc, L. được bán cho một người đàn ông nghèo khó. Suốt ngày, L. phải lao động cực nhọc, ăn uống kham khổ nên đầu năm 2011 đã trốn về Việt Nam tố cáo đường dây của Lương Thị Nhung. Ba nạn nhân khác của Nhung là Lô Thị S. (SN 1992), Mong Thị X. (SN 1996), Lô Thị T. (SN 1996), đều ở huyện Kỳ Sơn. Cả ba đều đồng ý sang Trung Quốc lấy chồng khi được Nhung trả mỗi người trên 20 triệu đồng. Hiện nay, số phận của T. và S. chưa biết như thế nào khi đã mất liên lạc với gia đình, còn Mong Thị X. trốn được về nước đã tố cáo Nhung.

Được biết, từ tháng 9/2010 đến tháng 5/2012, Nhung và đồng bọn đã lừa 16 cô gái sang Trung Quốc, trong đó có 5 trẻ em thông qua chiêu bài lấy chồng ngoại. Điều đó cho thấy, nhận thức của người dân vùng cao vẫn còn hạn chế, đặc biệt là những cô gái mới lớn. Trong hai năm 2012 và 2013, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã điều tra làm rõ 21 vụ, 33 đối tượng mua, bán người, giải cứu hàng chục nạn nhân.

Lâu nay, các phương tiện truyền thông đã nói nhiều về những thủ đoạn của các đối tượng môi giới lấy chồng ngoại quốc, về cuộc sống khốn khổ của cô dâu Việt trên đất người, nhưng một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, thờ ơ, đặc biệt là người dân ở vùng cao, vùng sâu. Các lực lượng chức năng, các cấp chính quyền cần chú trọng công tác tuyên truyền hơn nữa để các cô gái và gia đình của họ có đủ nhận thức, có thể tự cứu mình trước những lời đường mật.

Ngọc Hùng

Các tin khác