Pháp luật

Ban quản lý dự án "bảo kê" cho nhà thầu thi công ẩu

09:28, 31/03/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Dự án Đường phòng tránh lũ Hà Linh - Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những dự án mang tính xã hội cao. Nó không những tạo điều kiện cho các xã vùng thấp phòng tránh lũ lụt mà còn có mục đích phát triển kinh tế lớn. Tuy nhiên, chỉ vừa mới thi công chưa được bao lâu thì những dấu hiệu sai phạm của chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công  khiến người dân hết sức bức xúc...

Theo quyết định phê duyệt dự án, Công trình đường phòng tránh lũ Hà Linh - Phương Mỹ, huyện Hương Khê có tổng chiều dài 4.192,23 m, thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi theo TCVN 4054-2005 (điểm đầu Km0+00 giao QL15A tại Km405+720, điểm cuối Km4+192,23) và tuyến nhánh 4 dài 1358,23 m. Tổng mức đầu tư của công trình trên 71 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 61 tỉ đồng, từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết Định 771/QĐ-UBND ngày 28/3/2013 của UBND tỉnh).

Công trình do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Ngọc, có địa chỉ tại thị trấn Hương Khê thi công, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng CIC có địa chỉ tại TP Hà Tĩnh làm đơn vị tư vấn giám sát. Tiến độ thi công là 18 tháng, thời gian tính từ ngày khởi công 6/7/2013. Theo thiết kế, đường bê tông có bề rộng nền là 7,5 m, bề rộng mặt bê tông 5,5 m. Kết cấu các lớp tính từ trên xuống gồm: Trên cùng là lớp bê tông xi măng M300, đá 1x2, dày 25 cm, tiếp đó đến lớp cát đệm mặt đường dày 3 cm, cuối cùng là lớp móng cấp phối đá dăm dày 15 cm.

Vật liệu từ đá 1x2 đổi thành đá 2x4
Vật liệu từ đá 1x2 đổi thành đá 2x4

Đến thời điểm này, sau gần 9 tháng triển khai, đơn vị thi công đã  đổ bê tông được hơn 200 m. Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân và thực tế quan sát tại hiện trường cho thấy, quá trình thi công đã xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng. Đơn cử như thay vì dùng đá 1x2, nhà thầu lại dùng đá 2x4 để đổ bê tông. Ngoài số bê tông đã đổ, đơn vị xây lắp cũng đã tiến hành tập kết hàng trăm xe đá 2x4 để chuẩn bị đổ bê tông cho những đoạn tiếp theo. Về những sai phạm này, theo lí giải của đơn vị tư vấn giám sát thì trước khi nhà thầu tiến hành đổ bê tông, phía tư vấn giám sát đã phát hiện, lập biên bản và báo cáo với Ban Quản lý Dự án nhưng Ban Quản lý Dự án vẫn chỉ đạo cho nhà thầu thi công.

Phóng viên đã có cuộc làm việc với Ban Quản lý Dự án, tuy nhiên, ông Lê Đức Khang - Trưởng ban lấy lí do bận việc và giao cho anh Phạm Thanh Hải, cán bộ kỹ thuật ban trả lời. Anh Hải cho biết, phía ban quản lý thường xuyên kiểm tra quá trình thực hiện dự án. Trước khi tiến hành thi công các hạng mục phải có biên bản nghiệm thu của ban và tư vấn giám sát mới được triển khai. Còn việc nhà thầu thi công sai thiết kế, đồng chí kỹ thuật ban giải thích, do loại đá 1x2 khan hiếm nên nhà thầu phải mua đá 2x4 thay vào và đã được sự đồng ý của ban. Như vậy, có thể thấy rằng, trong sai phạm này, đương nhiên phía nhà thầu đã được sự “thông đồng” của Ban Quản lý Dự án. 

Có thể nói, một công trình giao thông tránh lũ được thiết kế đạt tiêu chuẩn cấp V miền núi và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống dân sinh của cả một vùng dân ở miền núi 3 xã đã trở nên hết sức tệ hại cả về chất lượng công trình và vai trò của công trình đối với đời sống người dân địa phương. Trách nhiệm này thuộc về ai, người dân đang hết sức bức xúc: Phải chăng ban quản lý (đại diện chủ đầu tư) và nhà thầu đã “bắt tay” để làm “dối” công trình?

Đề nghị các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ. Đặc biệt, trước mắt huyện Hương Khê cần chỉ đạo Ban Quản lý Dự án và đơn vị thi công có biện pháp khắc phục, bởi sai phạm này dễ dẫn đến làm chất lượng công trình phòng tránh lũ trở nên kém hiệu quả.

Nhóm P.V

Các tin khác