Pháp luật
Muôn hình vạn trạng hàng lậu ở Móng Cái (Quảng Ninh)
13:51, 16/02/2014 (GMT+7)
Tại cửa khẩu Móng Cái, chúng tôi nhìn thấy nhiều người vác hàng đi qua cửa khẩu. Với chính sách ưu đãi cho cư dân biên giới, có thể những cư dân này đang sử dụng quyền được ưu đãi để cõng hàng về. Mà chỗ tập kết loại khác này đâu ở nơi xa xôi, hẻo lánh mà ngay phía sau dãy nhà cấp bốn trong khuôn viên khu vực cửa khẩu. Hàng được đóng vào bao tải và buộc túm bằng dây thừng để người ta dễ cõng trên lưng.
Thành phố miền biên viễn đón chúng tôi trong ánh đèn đa sắc màu cực kỳ đẹp mắt. Móng Cái là đây, rất hào nhoáng vào ban đêm. Qua một giấc ngủ dài, chúng tôi được nhìn Móng Cái trong sáng ban mai với những con phố dài, những ngôi nhà to và không ít biệt thự hoành tráng. Điều này cho thấy, sự phồn vinh rất đáng tự hào của vùng đất phên dậu.
Chợ, trung tâm thương mại giáp cửa khẩu quốc tế Móng Cái chẳng thiếu mặt hàng gì. Từ đồ hải sản, rau củ quả đến quần áo, giày dép, đồ điện… Đúng là một thế giới của đồ tiêu dùng. Tạt vào một cửa hàng đồ gia dụng, chúng tôi được người bán hàng mời chào mua nồi áp suất, chảo hai mặt, bếp từ… Giá một chiếc nồi áp suất loại dùng để đun trên bếp 270.000đ, loại dùng để cắm điện 400.000đ. Còn cái bếp từ tia hồng ngoại có giá 760.000đ. Nói rồi, người bán hàng bảo, cùng chủng loại này được quảng cáo trên tivi có giá 1.600.000đ. Khi nghe tôi "bật lại" rằng, "loại bếp quảng cáo trên tivi là của Việt Nam, vì các hướng dẫn trên bếp toàn ghi bằng Tiếng Việt", anh này liền lôi cái bếp ra chỉ, "có giống y chang cái này không chị?". Khi nhìn thấy từng con chữ bằng Tiếng Việt như "tăng giảm nhiệt độ", "nướng", "rán"…, tôi cứng họng. "Hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng tất cả đều ghi bằng Tiếng Việt vì nó bán cho người Việt mình", người bán hàng giải thích. Nếu so cái giá 760.000đ với 1.600.000đ cho cái bếp giống y chang nhau đủ thấy mức độ ăn ra của người kinh doanh như thế nào.
Lấy ví dụ trên để thấy, sự "khác biệt" về giá của hàng hóa khi tiêu thụ ở biên giới và nội địa ra sao. Đấy còn chưa kể, sự khác biệt này giữa hàng lậu và hàng nhập khẩu chính ngạch là một trời một vực. Từng biết, Móng Cái được xem là địa bàn có hoạt động buôn lậu rất sôi động nên chúng tôi không thể không chứng kiến hoạt động này khi đến đây.
Hàng lậu được vận chuyển từ bên kia biên giới qua sông Ka Long sang Việt Nam |
Hàng lậu, đương nhiên phải được chuyển từ bên kia biên giới về. Nhưng về bằng cách nào? Tại cửa khẩu Móng Cái, chúng tôi nhìn thấy nhiều người vác hàng đi qua cửa khẩu. Với chính sách ưu đãi cho cư dân biên giới, có thể những cư dân này đang sử dụng quyền được ưu đãi để cõng hàng về. Mà chỗ tập kết loại khác này đâu ở nơi xa xôi, hẻo lánh mà ngay phía sau dãy nhà cấp bốn trong khuôn viên khu vực cửa khẩu. Hàng được đóng vào bao tải và buộc túm bằng dây thừng để người ta dễ cõng trên lưng. Trò chuyện với chị Nga - người phụ nữ vừa cõng xong một chuyến hàng, chúng tôi được biết, mỗi chuyến chị được trả công từ 50.000đ - 100.000đ, tùy mặt hàng. Cái bao tải mà chị vừa ì ạch cõng và quăng oạch vào chỗ tập kết là chiếu trúc nên rất nặng. "Người ta thuê cõng gì, thì cõng cái ấy. Đây là cửa khẩu chính ngạch nên những mặt hàng mà chủ hàng thuê chúng tôi cõng chủ yếu là hàng tạp", chị Nga nói.
Đúng như lời chị cửu vạn này, hàng không thuế đi qua cửa khẩu trên lưng cư dân biên giới chủ yếu là hàng gia dụng. Đó là quần áo, chăn, giày dép… và cả giấy vệ sinh. Cũng tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh người ta buộc những thùng nước mắm Chinsu để chuẩn bị cõng qua cửa khẩu. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, chị cửu vạn bảo: "Đây là mẫu hàng mang sang Trung Quốc". Còn mẫu này đưa sang nước bạn để làm gì thì cư dân biên giới, đặc biệt là các chủ hàng buôn lậu đều hiểu.
Rời cửa khẩu quốc tế Móng Cái, nơi mà hàng lậu chính danh được phép qua biên giới (mỗi cư dân biên giới được phép mua 2 triệu tiền hàng/ngày), chúng tôi đến các điểm Z1, Z2, Z3, Z5… Những cái "Z" này là tên viết tắt của Km. Z1 tương đương với Km1, Z2 tương đương với Km2…
Nơi chúng tôi dừng chân là điểm Z1. Ở phía bên kia, cảnh người ta vác hàng từ trên bờ xuống thuyền sao mà đông vui, nhộn nhịp. Những con thuyền "ăn no" hàng rời bến để cập bên này. Hàng đưa xuống, hàng cất lên nhịp nhàng...
Những gì chúng tôi chứng kiến ở điểm Z1 vào ngày mùng Mười Tết (tức 9/2 dương lịch) chưa thấm gì với điểm Z2. Ở đây, khung cảnh còn sôi động hơn nhiều. Hàng ở bên kia sông (phía Trung Quốc) sau khi cập bến lập tức được vác lên và chất vào thùng xe ôtô rồi đi vào thành phố… Ở điểm Z4, cảnh hàng lậu từ bên kia biên giới tràn qua sông sang nước ta. Dọc con sông Ka Long, đoạn qua Móng Cái này, người ta thích lập bến ở đâu, ở đó lập tức trở thành điểm trung chuyển hàng lậu. Kỳ lạ hơn ở chỗ, bộ đội biên phòng là lực lượng được giao nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ tuyến sông này. Thế mà không hiểu sao, người ta vẫn vận chuyển, buôn bán hàng lậu như không có chuyện gì xảy ra.
Để biết điểm đến của hàng lậu từ biên (biên giới), chúng tôi lặng lẽ bám theo chiếc xe tải 2,5 tấn vừa rời sông Ka Long. Nơi đến của nó là bến xe Ka Long. Tại đây, hàng được vứt sang những chiếc xe khách đã mở cốp, mở cửa chờ sẵn. Mà những chiếc xe khách ở đây cũng kỳ lạ. Có những chiếc, đời cũ còn hơn cả … trái đất. Nghĩa là, nó cũ kỹ, già nua đến mức tôi ngạc nhiên tự hỏi, làm sao nó có thể cạnh tranh với những chiếc xe máy lạnh, xe giường nằm hiện đại đang nằm chờ giờ xuất bến. Nếu không tận mắt nhìn thấy, khoang xe không phải là ghế ngồi mà là nơi để hàng hóa thì tôi vẫn cứ loay hoay với câu hỏi trên. Xe khách cũ, cải tạo thành xe chở hàng. Tại sao phải vậy chứ? Nếu như không có mặt ở sông Ka Long, không theo chiếc xe chở hàng về đây, chúng tôi chẳng thể nào hiểu được, sao phải là thế. Vấn đề còn ở chỗ, hàng lậu không phải là thứ gì quá cao sang như điện thoại Iphone, Samsung galaxy, máy lạnh… mà còn có cả những thứ rất đời thường như chăn, chiếu, dép xốp, nệm, giấy vệ sinh… Hóa ra, buôn lậu không hẳn phải là "buôn tàu, buôn bè" mà còn cả những cái kim, sợi chỉ, thứ mà sản xuất trong nước không thiếu.
CAND