Pháp luật
Chỉnh lễ tiết, tác phong, trấn áp hành vi chống đối manh động
15:06, 06/02/2014 (GMT+7)
Nghị định số 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Trước hết, phải giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó. Yêu cầu người vi phạm xuất trình chứng minh nhân dân và các giấy tờ cần thiết khác để kiểm tra. Trường hợp mạnh hơn thì cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ...
Kể từ 1/2, Nghị định số 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ có hiệu lực thi hành. Nghị định ra đời nhằm hoàn chỉnh thêm hành lang pháp lý phòng, chống hành vi chống người thi hành công vụ đang có xu hướng gia tăng, nhất là chống Cảnh sát, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Hải quan...
Nắn chỉnh lễ tiết, tác phong của người thi hành công vụ
Quán triệt nguyên tắc thận trọng, linh hoạt trong ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra. Trong các biện pháp phòng ngừa, đáng chú ý có nhóm biện pháp quy rõ trách nhiệm của chính người thi hành công vụ, đó là: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ phải thực hiện đúng các phương án, quy trình, quy chế, kế hoạch công tác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giữ đúng lễ tiết, tác phong, kỷ luật công tác. Cùng với đó, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp (Điều 10) với nội dung: cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xây dựng và thực hiện chương trình huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, phương pháp vận động, thuyết phục, kỹ năng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dụng và kỹ năng phòng vệ chính đáng, xử lý tình huống khi có hành vi chống người thi hành công vụ. Rèn luyện lễ tiết, tác phong, thái độ đúng mực của người thi hành công vụ trong khi thực thi nhiệm vụ.
Đây được xem là giải pháp “tự chỉnh mình” đối với chính người thi hành công vụ bởi qua phân tích trên góc độ xã hội học cho thấy, nhiều vụ chống người thi hành công vụ xảy ra nghiêm trọng (gây thương tích, thậm chí tính mạng) có nguyên do ban đầu thuộc về tư thế, tác phong của người thi hành công vụ. Đó là thái độ, lời nói không đúng mực, thậm chí thiếu văn hóa, có khi xúc phạm đến người dân. Điều này có thể dẫn tới người vi phạm bị ức chế, bất hợp tác và chống đối.
Mới đây, Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh mở đợt tập huấn nâng cao văn hóa ứng xử khi giao tiếp với người dân, chấn chỉnh những hành vi thiếu văn hóa, quan liêu, hách dịch. Người đứng bục giảng là PGS, TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn. Tiến sĩ Sơn đưa ra 3 nguyên tắc để giao tiếp thành công, đúng mực với người dân là “trầm tĩnh, kiên nhẫn, tôn trọng”. Theo tiến sĩ, điều đầu tiên là CSGT phải ứng xử, nếu các chiến sĩ ứng xử nghiêm túc, hòa nhã, thân thiện thì sẽ nhận được sự nể phục của người dân và ngược lại. Cuối cùng, TS Sơn chốt: “Nếu các anh cứ mang khuôn mặt hình sự ra làm việc với dân thì không thể mang lại sự hài lòng rồi. Mỗi chiến sĩ CSGT biết mỉm cười với người vi phạm thì cũng sẽ nhận lại được một nụ cười thân thiện tương tự”...
Một buổi tập huấn về thái độ ứng xử cho CSGT tại TP Hồ Chí Minh |
Theo Ðại tá, GS, TS Trương Công Am, Trưởng bộ môn Tâm lý học (Học viện An ninh nhân dân), những trường hợp có hành vi chống người thi hành công vụ thường có tâm trạng nóng nảy, sẵn tính côn đồ, mất bình tĩnh và rất manh động. Ðiều này cho thấy công tác giáo dục từ các bậc phổ thông chưa đầy đủ. Về phía lực lượng thực thi pháp luật, đơn cử như Cảnh sát giao thông, do nhiệm vụ căng thẳng, thời tiết khắc nghiệt, không kiềm chế được cảm xúc bột phát nên có những trường hợp hành động chưa thật đúng mực, từ đó nảy sinh mâu thuẫn với người vi phạm, dẫn đến xô xát.
Hành vi manh động sẽ bị khống chế, bắt giữ
Về phía người vi phạm cũng sẽ áp dụng các biện pháp đồng bộ hơn. Trong đó sẽ thông báo về địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người có hành vi chống người thi hành công vụ học tập, làm việc. Sau khi xử lý vi phạm đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ, cơ quan đã ra quyết định xử lý vi phạm có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người vi phạm học tập, làm việc để có biện pháp phòng ngừa, quản lý, giáo dục. Văn bản thông báo của cơ quan đã ra quyết định xử lý vi phạm đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người có hành vi chống người thi hành công vụ; hành vi vi phạm, hình thức, biện pháp xử lý vi phạm đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ.
Có các biện pháp xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Trước hết, phải giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó. Yêu cầu người vi phạm xuất trình chứng minh nhân dân và các giấy tờ cần thiết khác để kiểm tra. Trường hợp mạnh hơn thì cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ. Bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét người có hành vi chống người thi hành công vụ, khám phương tiện vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật).
Trường hợp tập trung đông người chống người thi hành công vụ thì tiến hành các biện pháp vận động, thuyết phục đối tượng chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết phải tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng nhằm giải tán đám đông; ngăn chặn, bao vây, khống chế, cô lập, bắt giữ đối tượng cầm đầu, tổ chức, xúi giục.
Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.
Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội chống người thi hành công vụ được quy định như sau: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc trường hợp tăng nặng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Từ thực tiễn xét xử loại tội phạm này cho thấy, ngay cả khung tăng nặng tối đa chỉ 7 năm tù là chưa phù hợp, bởi nhiều vụ đối tượng thực hiện hành vi manh động, kích động, lôi kéo nhiều người tham gia, gây hậu quả nghiêm trọng về vật chất và tinh thần, cần phải có khung hình phạt cao hơn để răn đe. |
CAND