Pháp luật
Phòng chống HIV/AIDS: Khó khăn do hết dự án tài trợ
(Congannghean.vn)- Trong những năm qua, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và sự giúp đỡ của các dự án tài trợ nước ngoài nên công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi các chương trình, dự án tài trợ của nước ngoài đã hết thời hạn. Vì thế, quá trình thực hiện mục tiêu “Không còn người nhiễm mới HIV” đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức...
Xã Viên Thành là một trong những địa bàn có số người nghiện ma túy và nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao của huyện Yên Thành. Nhiều người trong số này, đến tuổi trưởng thành theo bạn vào miền Nam làm ăn, do sống buông thả đã dẫn tới bị lây nhiễm HIV qua con đường hút chích. Nhờ được thụ hưởng từ Dự án phòng, chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới WB tài trợ, bệnh nhân HIV ở Yên Thành sức khỏe đã tốt dần lên.
Không thể phủ nhận vai trò của các chương trình, dự án hỗ trợ đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh ta. Đơn cử như huyện Diễn Châu, từ năm 2006 lại nay, Diễn Châu được chương trình mục tiêu Quốc gia, Dự án Tổ chức sức khoẻ Thế giới FHI và Dự án phòng, chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới WB tài trợ. Nhờ phát huy hiệu quả các chương trình này nên tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS mới ở Diễn Châu giảm hẳn, chỉ còn khoảng 5,3%/năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Bình Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu cho biết: “Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện Diễn Châu trong những năm qua đã đạt được mục tiêu là giảm số người nhiễm mới hàng năm. Đối với Dự án FHI đã tăng cường năng lực truyền thông, quản lý, hỗ trợ điều trị, chăm sóc người bệnh tại nhà, đặc biệt, chống kỳ thị, phân biệt, tất cả các người nhiễm và người có nguy cơ cao đều đến với cơ sở để khám sàng lọc, phát hiện nhằm hạn chế khả năng lây lan cộng đồng”.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí từ việc chấm dứt các dự án tài trợ |
Thông qua sự tài trợ của các dự án nước ngoài như Life Gap, Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, WB…, tất cả các bệnh nhân HIV/AIDS ở tỉnh ta đều được điều trị miễn phí. Cùng với thuốc kháng virut ARV, thì chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cũng là một bước tiến rất đáng kể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ vậy, tỷ lệ lây nhiễm HIV cơ bản được khống chế. Hoạt động cung cấp các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV, nhất là cho phụ nữ mang thai được đánh giá đạt kết quả tốt nhất.
Khoảng 49% số phụ nữ nằm trong nhóm nguy cơ được điều trị dự phòng lây truyền HIV sang con… Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn chưa thực sự bền vững, đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ông Phạm Văn Tuấn - Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Yên Thành cho biết: “Hiện nay, huyện Yên Thành đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trước hết, người nhiễm HIV hầu hết đang ở tuổi lao động nên họ đi làm ăn xa, học hành chưa hết cấp 3 nên rất khó khăn trong việc truyền thông. Bên cạnh đó, kinh phí của các chương trình ngày càng hạn hẹp…”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, hầu hết các dự án tài trợ nước ngoài đã hết thời hạn, chuyển sang giúp đỡ về mặt kỹ thuật, chuyên môn. Trong khi, chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS vẫn đang được triển khai toàn diện với các hoạt động: Truyền thông thay đổi hành vi; can thiệp giảm tác hại: phân phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, chăm sóc,điều trị cho bệnh nhân AIDS tại các phòng khám ngoại trú, tại nhà và tại cộng đồng…
Việc cắt giảm các dự án tài trợ đã dẫn đến thiếu hụt nguồn kinh phí duy trì các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Về vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Nghệ An cho biết: Trong tình hình cắt giảm nhưng chúng ta cũng phải thương thảo với các đối tác, dự án. Tuy nhiên, có những địa điểm, những vùng miền thì chúng ta cần phải tăng, tức là tăng cục bộ để đạt được hiểu quả giải quyết các trọng điểm. Và trong bối cảnh đó, chúng ta không đầu tư dàn trải mà phải có sự đồng đều trong toàn tỉnh, tập trung vùng trọng điểm để giải quyết dứt điểm và có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Để thực hiện mục tiêu Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS: “Hướng tới không còn người tử vong do AIDS”, có thể khẳng định, biện pháp hữu hiệu nhất đó là công tác truyền thông, cung cấp kiến thức nhằm giúp cho người dân “hiểu đúng bệnh để phòng bệnh”. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu Quốc gia chưa đáp ứng đủ cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng.
Hiến Chương