Pháp luật

Hôm nay, mở phiên tòa 'Đại án' Vinalines

08:49, 12/12/2013 (GMT+7)
Ngày 12-12, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử sơ thẩm đối với Dương Chí Dũng cùng đồng phạm, theo tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".
 
Từ "khai sinh" dự án trái phép…
 
Tháng 4-2007, Dương Chí Dũng chính thức được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinalines. Kế đến là Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn lần lượt được nắm các chức vụ quan trọng trong Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Trước lúc dứt hẳn ghế TGĐ để nắm giữ cương vị cao nhất của Vinalines vào đầu năm 2006, Dương Chí Dũng đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung Nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu biển phía Nam vào quy hoạch các cơ sở công nghiệp tàu thủy Việt Nam, đồng thời đề nghị bộ chủ quản báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép đầu tư. Mặc dù vào thời điểm ấy, Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ mới đồng ý về mặt nguyên tắc, song Dương Chí Dũng vẫn tổ chức họp HĐQT và ra nghị quyết về việc đầu tư dự án. Trên cơ sở này, tháng 5-2007, Mai Văn Phúc ra quyết định thành lập BQL dự án và giao cho Trần Hữu Chiều làm trưởng ban, còn Trần Hải Sơn làm phó ban. Tiếp đến, tháng 6-2007, Mai Văn Phúc có tờ trình đề nghị HĐQT Vinalines ra quyết định phê duyệt dự án Nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu biển phía Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng. Và thực tế là ngày 27-6-2007, Dương Chí Dũng đã ký Quyết định số 678/QĐ-HĐQT phê duyệt đề nghị của cấp dưới. 
 
Với việc "khai sinh" dự án hàng nghìn tỷ đồng nêu trên, Dương Chí Dũng cùng thuộc cấp đã vi phạm các quy định tại Nghị định 16/2005/NĐ-CP và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể là đối với dự án nhóm A (có mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng) mà không có quy hoạch ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo bộ chủ quản để xem xét, bổ sung quy hoạch trước khi lập dự án đầu tư. Ngoài ra, "bộ sậu" của Vinalines còn cố tình làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4805/VPVP-CN, ngày 31-8-2006. Khởi đầu từ sự tự tung tự tác này, Dương Chí Dũng và thuộc cấp tiếp tục lún sâu vào "vũng bùn" tham nhũng.    
 
Các bị cáo: Dương Chí Dũng (SN 1957) – từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam;Mai Văn Phúc (SN 1957) – cựu TGĐ Vinalines; Trần Hải Sơn (SN 1960) – nguyên TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Hữu Chiều (SN 1952) – từng là Phó TGĐ Vinalines cùng bị cáo buộc vào tội "Tham ô tài sản", quy định tại khoản 4, Điều 278-BLHS. Ngoài tội danh đặc biệt nghiêm trọng này, các lãnh đạo một thời của Vinalines và Bùi Thị Bích Loan (SN 1963) – nguyên Kế toán trưởng Vinalines; Mai Văn Khang (SN 1958) – cựu Phó TGĐ Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinalines;  Lê Văn Dương (SN 1970) – cựu đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức (SN 1965) – nguyên Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; Lê Văn Lừng (SN 1959) – cựu cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Lê Ngọc Triện (SN 1964) – Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong cùng bị xem xét về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", tội danh và hình phạt được xác định tại khoản 3, Điều 165-BLHS. 
 
Đến chia chác 28 tỷ đồng tham ô
 
Với những toan tính kiếm "bộn tiền" ở dự án bất hợp pháp là Nhà máy sửa chữa, đóng mới tàu biển phía Nam, Dương Chí Dũng không ngần ngại ký liên tiếp hai quyết định nâng mức đầu tư dự án lên 19,5 triệu USD. Trong tổng mức đầu tư dự án, Dương Chí Dũng cùng đồng phạm nhắm đến trước hết là những lợi ích cá nhân từ hạng mục lắp đặt 1 ụ nổi có sức nâng lên đến 27.000 tấn.
 
Thực hiện mưu đồ tham ô tài sản, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã bàn bạc, rồi quyết định chọn mua ụ nổi Dock 83M do Công ty AP-Singapore chào bán với giá thống nhất là 9 triệu USD. Về phương án, ban đầu Dương Chí Dũng xác định mua, sửa chữa tại Nga, sau đó lai dắt về nước, sau lại chuyển sang phương án vận chuyển ụ nổi bằng tàu nâng nặng, rồi mới tổ chức sửa chữa tại Việt Nam. Mục đích của cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines không gì khác ngoài nâng tổng giá trị hạng mục lắp đặt ụ nổi từ 14,136 triệu USD lên 19,5 triệu USD. Ác hiểm là ở chỗ, vào thời điểm mua ụ nổi, Dương Chí Dũng đã chỉ đạo cấp dưới bất chấp quy định về đấu thầu để bỏ qua các đối tác chào hàng có uy tín. Thay vào đó là một "đoàn tùy tùng" của Vinalines cùng đại diện cơ quan đăng kiểm đã sang tận Nga để thẩm định chất lượng món hàng. Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc biết rất rõ rằng Công ty AP chỉ là doanh nghiệp môi giới bán ụ nổi cho Công ty Nakhodka với giá dưới 5 triệu USD. Về chất lượng sản phẩm, "cặp bài trùng" này cũng biết ụ nổi 83M được Nhật Bản sản xuất từ năm 1965, sau đó bán cho Nga. Khi Công ty Nakhodka chào bán, ụ nổi đã hư hỏng nặng, không còn khả năng hoạt động và bị từ chối đăng kiểm. Tuy vậy, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines vẫn chỉ đạo đoàn khảo sát chất lượng lập báo cáo biến "đen" thành "trắng", rồi xuất đủ 9 triệu USD cho Công ty AP để nhận về "cục sắt phế liệu".
 
Trong vụ mua bán này, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc thỏa thuận "ăn chia" với Công ty AP là Vinalines sẽ hưởng 1,666 triệu USD. Số tiền vượt giá trị thực tế còn lại, Công ty AP và chủ sở hữu ụ nổi 83M tự chia nhau. Để che mắt cơ quan chức năng, trong quán trình đàm phán, giao dịch, Dương Chí Dũng đề nghị Công ty AP mua lại ụ nổi của Nakhodka, sau đó mới bán lại cho Vinalines. Tương tự, về số tiền "hoa hồng" hàng triệu USD, Dương Chí Dũng yêu cầu Trần Hải Sơn đứng ra hợp thức hóa. Vì thế mà nguyên TGT Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines đã thông qua công ty của em gái nhận đủ 1,666 triệu USD dưới vỏ bọc một dự án hợp tác đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài. Toàn bộ số tiền tham ô, Dương Chí Dũng hưởng 10 tỷ đồng, Mai Văn Phúc cũng hưởng phần tương ứng, Trần Hữu Chiều được chia 340 triệu đồng, Trần Hải Sơn "thưởng" cho em gái 2 tỷ đồng và số còn lại là ông ta chiếm hưởng hết. 
 
"Quan lộ" đầy thuận lợi 
 
- Dương Chí Dũng sinh năm 1957, tại Hải Dương, HKTT số 2, ngõ 26, đường Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội.  
 
- Năm 1994, công tác tại Tổng công ty Xây dựng Đường thủy (lúc đó là Liên hiệp các xí nghiệp nạo vét). Chỉ sau một thời gian ngắn, ông Dũng được "ưu ái" đưa về làm Phó giám đốc Công ty Nạo vét đường sông 1 (ở Hải Phòng) rồi sau đó lên chức Giám đốc. Trong khoảng thời gian này, ông Dương Chí Dũng học lớp tại chức ngắn hạn ngành Kinh tế vận tải biển (3 năm) tại Đại học Hàng hải Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông làm luôn Thạc sĩ rồi Tiến sĩ kinh doanh thương mại tại trường Đại học Thương mại.
 
- Năm 2003, Dương Chí Dũng ngồi ghế Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco). Tháng 8 -2005, ông Dũng tiếp tục được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Năm 2007, ông Dũng trở thành Chủ tịch HĐQT Vinalines.
 
- Đầu năm 2012, Dương Chí Dũng bất ngờ được điều sang giữ chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho tới khi bị khởi tố.

 

ANTĐ

Các tin khác