(Congannghean.vn)-Dường như, dư luận những ngày qua đã “nóng” lên cùng Tòa án nhân dân TP Hà Nội khi xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm. Có lẽ, đây cũng là một trong số ít vụ án bị Tòa tuyên khung hình phạt cao nhất đối với các bị cáo về tội Tham ô tài sản: Tử hình.
Tội “Tham ô tài sản” và “Nhận hối lộ” là hành vi phạm tội đặc trưng nhất về tham nhũng, nó nguy hiểm cho xã hội ở chỗ những kẻ phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn. Đặc biệt, thủ đoạn phạm tội thường rất tinh vi, khó phát hiện, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội cũng như ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân vào chế độ.
Pháp luật Việt Nam đã quy định chặt chẽ đối với tội Tham ô. Cụ thể là chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, thực tế xét xử cho thấy, rất ít vụ án tham nhũng được tòa án áp dụng hình phạt tử hình. Đây cũng là điều mà dư luận xã hội cho rằng, pháp luật còn nương nhẹ với các tội phạm tham nhũng, khiến nhiều kẻ phạm tội có tâm lý “cố đấm ăn xôi”. Việc xử phạt nghiêm minh đối với tội phạm tham nhũng nói chung, đối với tội phạm tham ô, nhận hối lộ nói riêng, sẽ có tác dụng răn đe, phòng ngừa, là bài học nhãn tiền cho các “quan tham” khi chưa bị lộ phải biết chùn bước. Luật pháp càng nghiêm minh thì càng có tác dụng bảo vệ xã hội, bảo vệ công lý và đạo lý.
Mức án tử hình cho Dương Chí Dũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những kẻ có tư tưởng trục lợi cá nhân trên công sức của nhân dân |
Chúng ta thật đau xót khi những cán bộ, đảng viên, những công bộc của dân được dân bầu ra để làm việc tốt, vì Đảng, vì dân, thế nhưng, vì lòng tham, vì đồng tiền đã đánh đổi tất cả, để rồi bị tước đi quyền công dân, tước đi quyền được sống. Vụ án Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và đồng phạm là hồi chuông cảnh tỉnh để những cán bộ, đảng viên giữ cương vị cao tự soi lại mình để chỉnh đốn, sửa chữa. Đành rằng “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, đây đó vẫn còn hành vi tiêu cực, cư xử thiếu văn hóa của cán bộ đối với dân, cao hơn là tham ô tài sản của công làm của tư… như cách nói của người xưa: “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta từng viết: “Tham ô là trộm cướp... Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta”; “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng””; “Tham ô là một hành động xấu xa nhất của con người, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”; “Nhân dân lao động làm lụng đổ mồ hôi, sôi nước mắt để góp phần xây dựng của công - của Nhà nước và của tập thể. Của công ấy chính là nền tảng vật chất của chế độ XHCN, là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống vật chất của nhân dân ta”. Nó làm phương hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà giàu mạnh, phồn vinh, có hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, “có hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ, công nhân”...
Trong tương lai, hình phạt tử hình sẽ dần thu hẹp lại, nhưng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc áp dụng tử hình đối với tội phạm tham nhũng sẽ có tác dụng tốt, nhằm ngăn chặn và trừng phạt loại tội phạm được coi như “quốc nạn” này, góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, tất cả vì lợi ích của nhân dân.
.