Pháp luật

Hành lang pháp lý bảo vệ phóng viên

08:34, 03/12/2013 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Ngày 12/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nghị định gồm có 4 chương và 38 điều thay thế Nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 6/1/2011, quy định hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí và xuất bản.


Theo đó, mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Nghị định đã quy định cụ thể, chi tiết các hành vi vi phạm được xử lý theo mức phạt tương ứng.

Phóng viên chưa có thẻ nhà báo sẽ được bảo vệ                                                      theo Nghị định 159 của Chính phủ - Ảnh minh họa
Phóng viên chưa có thẻ nhà báo sẽ được bảo vệ theo Nghị định 159 của Chính phủ - Ảnh minh họa


Theo quy định tại Điều 14, Luật Báo chí thì, “Nhà báo phải là người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định, đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo”. Như vậy, có thể hiểu, nhà báo là người hoạt động báo chí đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ nhà báo. Phóng viên là những người hoạt động báo chí, đưa tin, viết bài, chụp ảnh được cơ quan báo chí cử đi tác nghiệp báo chí mà chưa có thẻ nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí chưa đủ thời gian, điều kiện được cấp thẻ nhà báo.

Thực tế hiện nay, số lượng phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo rất lớn, lực lượng này góp phần quan trọng trong hoạt động báo chí. Tuy nhiên, chưa có các quy định bảo vệ liên quan đến hoạt động tác nghiệp của lực lượng phóng viên. Cũng chính vì vậy, các cơ quan chức năng có thể  trả lời hoặc không trả lời phóng viên và cũng không có sự ràng buộc trách nhiệm theo quy định của Luật Báo chí. Như vậy, Nghị định 159/NĐ-CP đã khắc phục được những hạn chế này và phóng viên cũng là đối tượng được bảo vệ như nhà báo.


Nghị định 159/NĐ-CP tạo hành lang pháp lý quan trọng, bảo vệ đội ngũ phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo. Cụ thể, tại Điều 7 quy định mức xử phạt đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, ghi rõ: Khoản 1, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. Khoản 2, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. Khoản 3, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động của nhà báo, phóng viên; thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.


Với Nghị định mới này, Nhà nước đã nâng cao biện pháp bảo vệ nhà báo, đồng thời công nhận và bảo vệ lực lượng phóng viên tác nghiệp báo chí chưa có thẻ nhà báo trong hoạt động báo chí. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.

Lê Thắm

Các tin khác