Từ dọn phòng thành gái bán dâm
Đầu năm 2013, có người dưới quê giới thiệu cho Quyên lên Hà Nội làm nhân viên dọn phòng trong nhà nghỉ. Công việc cũng nhẹ nhàng, chỉ là khi khách trả phòng thì phải lau dọn lại cho sạch, giặt ga, gối, lau buồng tắm, nhà vệ sinh… nhưng tiền kiếm được cũng chẳng đáng là bao. Quyên vừa kể vừa xoắn những ngón tay lại với nhau: “Lúc em ở đó, em thấy có nhiều cô gái ra vào nhà nghỉ, xong ra thấy khoe nhau kiếm được bốn trăm, năm trăm nghìn đồng. Với em như thế là nhiều lắm. Có thể người ta không tin em, nhưng em nói thật, em đi làm cái công việc này cũng vì một ước mơ...”.
Quyên nhờ người đưa đến gặp thợ chụp ảnh khỏa thân và viết bài đăng lên mạng quảng cáo. Mỗi tháng, Quyên phải trả cho thợ chụp hình 2 triệu đồng, đổi lại, Quyên có nhiều khách. Mỗi ngày, Quyên tiếp khoảng 3 người, mỗi người được 500.000 đồng.
Khi tôi hỏi về chuyện khách có “bo” thêm tiền không thì Quyên lắc đầu: “Không chị ạ! Vì họ mất tiền phòng, rồi tiền trả cho mình rồi mà. Em cũng không đòi hỏi gì thêm... Nhiều khách cũng khuyên em từ bỏ công việc này. Nhưng em chỉ cảm ơn thôi, vì em biết, em cần phải kiếm tiền...”.
Quyên chỉ mong có thể kiếm được tiền để xây cho mẹ căn nhà nhỏ |
Hiện nay, em trai Quyên cũng đã nghỉ học để kiếm sống. Thương mẹ, thương em nên hầu như kiếm được bao nhiêu Quyên gửi hết về quê cho mẹ. Quyên nói: “Tháng đầu tiên em gửi cho mẹ 20 triệu đồng...”. Tôi tròn mắt: “Hai mươi triệu cơ á? Thế chẳng nhẽ mẹ không hỏi gì em sao?”. “Có chứ chị, mẹ hỏi em kiếm được ở đâu ra, nhưng em bảo em làm nhân viên xếp bi-a. Vì em ngoan nên người ta cho tiền... Em chỉ thương mẹ vì không biết em nói dối. Mẹ vẫn bảo em, dù vất vả đến mấy cũng không được làm điều gì ảnh hưởng đến bản thân và gia đình...”.
Nhắc đến mẹ, Quyên lại khóc.
Tôi cảm thấy thương Quyên vô cùng. Có lẽ đa số mọi người đều cho rằng, gái bán dâm là xấu, là thiếu bản lĩnh, nhưng thử hỏi, không bằng cấp, không mối quan hệ, thân cô thế cô giữa thành phố xa lạ thì tìm đâu một công việc? Mà việc với đồng lương không đủ sống thì làm sao có thể nuôi được mẹ và em?
Tôi nhìn cô gái đang im lặng. Tôi cũng im lặng.
Một lát, Quyên lại nói tiếp: “Em biết có thể chị khinh em, nhưng em không sợ. Chị không biết đâu, làm cái việc này cũng khổ lắm. Nhiều người họ còn bạo dâm, đau lắm chị ạ! Họ còn chửi mình chả ra gì ý. Nhưng em nhẫn nhịn được, vì có nhẫn nhịn họ mới cho mình tiền... Nhà em nghèo lắm, bây giờ vẫn sống trên đất của bà ngoại. Em chỉ muốn kiếm tiền đủ để xây cho mẹ cái nhà nhỏ thôi để không phải ở trong rừng nữa. Đó cũng là ước mơ của mẹ em. Mẹ bảo: Mẹ ước xây được nhà để ba mẹ con ở chung với nhau, các con không phải đi làm xa nhà. Mẹ thương hai đứa quá, chúng mày còn bé quá! Mẹ thì chả sống được bao lâu nữa nên chỉ muốn khi chết thấy hai đứa có nhà có cửa mẹ mới yên tâm”.
Nói đến đây Quyên bật khóc nức nở, giọng nghẹn đi. Trong tiếng nấc của đứa trẻ mới 17 tuổi mà đã phải chịu bao cơ cực ấy có một nỗi đau lớn, đó là nỗi đau sợ mất mẹ. Từ bé lớn lên bên mẹ, Quyên chỉ biết có mẹ và thương mẹ nhiều. 17 tuổi, nếu mất mẹ thì đó sẽ là sự mất mát quá lớn.
Đêm bị bắt, Quyên khóc ròng rã. Em khóc vì sợ đi tù, sợ mẹ biết chuyện sẽ không chịu nổi, sợ không tìm được việc làm thu nhập cao để nhanh chóng xây nhà cho mẹ trước khi mẹ về bên kia thế giới…
Nỗi trăn trở của cô gái trụ cột gia đình
Trước hôm bị bắt, em trai Quyên lên Hà Nội tìm chị gái. Lần đầu tiên ra Thủ đô, biết bao nhiêu bỡ ngỡ, tò mò. Quyên hứa với em tối sẽ đưa em đi xem phim, đi ăn uống cho bõ công ra Hà Nội. Quyên kể: “Hôm ấy em mệt lắm, nhưng khi có khách gọi điện thì em lại tiếc tiền, với lại em cũng muốn có tiền cho em trai đi chơi nên em cố. Định đi nốt khách này thì về. Nào ngờ...”.
Tôi cảm nhận một nỗi lo lắng trào lên trong ánh mắt của cô bé, sau chữ "nào ngờ" ấy. "Thế từ hôm qua tới giờ em có gọi cho em trai không? Em trai giờ ở một mình hay ở với ai?”, tôi vội hỏi. “Hôm qua em xin các chú ấy cho em gọi cho em trai rồi, nhưng chỉ được gọi có một lần. Từ sáng tới giờ chưa được gọi lần nào. Đêm qua nó ở nhà một mình chắc lo cho em lắm” - Quyên thủ thỉ.
Tôi đưa cho Quyên điện thoại và bảo gọi cho em trai, việc mà tôi chưa bao giờ làm. Cô bé nhìn tôi, ánh mắt đầy xúc động và biết ơn. Giọng cô bé dồn dập qua điện thoại, chắc sợ tôi tốn tiền. Quyên dặn dò em trai không phải lo lắng, ở nhà chờ chị về. Tôi nghe rõ Quyên nói với em: “Em điên à, ở nhà đi. Đừng có đi tìm chị. Em biết chị ở mô mà tìm? Ở nhà đi, tý chị về biết chưa? Em đừng gọi vào số này đấy nhé! Tý xong việc chị về...”.
Biết bao cô gái đã trở thành gái bán dâm vì hoàn cảnh gia đình giống như Quyên? |
Câu chuyện ngắn ngủi trong vòng hơn một phút nhưng tôi biết Quyên lo lắng cho em trai thế nào, và chắc cậu em cũng thương chị lắm nên một lát sau nhắn tin cho tôi bảo: “Chị ơi! Chị làm ơn cho chị em về nhà với em được không chị?”.
Tin nhắn ấy khiến tôi suýt nữa bật khóc. Sau hành động ấy của tôi, Quyên dường như tin tưởng hẳn. Cô bé tiếp tục trải lòng: “Em hận bố em lắm chị ạ! Từ khi ly hôn mẹ đến giờ, bố không bao giờ chu cấp một đồng nào cho mẹ. Trước còn hay về bắt em lên sống cùng, nhưng em không chịu. Giờ em lớn, em còn nói lý nói lẽ, nên bố sợ em lắm, chỉ dám xuống nói chuyện với mẹ và em trai em thôi. Một lần, em lên nhà bố xem bố sống thế nào, có khổ không, vì em nghĩ, dù gì bố cũng là bố mình. Nhưng chị biết không?” - Quyên nhìn thẳng vào tôi rồi nói tiếp: “Nhà bố giàu lắm. Bố xây nhà to đùng, mua sắm đầy đủ cả tủ lạnh, ti vi như bất kỳ một nhà giàu nào khác. Thế mà bố không gửi cho mẹ lấy một đồng, trong khi mẹ khổ như thế. Cho nên em hận bố vô cùng. Em chả gọi bố nữa, toàn gọi là ông ấy thôi...”.
Trong cái cảm xúc của cô gái ấy, có lẽ tất cả chỉ hướng về mẹ và em trai. Quyên chia sẻ, nhiều lần thấy người ta cầm nhiều tiền, mua sắm điện thoại, quần áo đẹp cũng thích lắm. Nhưng trong lòng Quyên chỉ nhen lên một quyết tâm duy nhất là kiếm tiền gửi về nhà cho mẹ, để mẹ chữa bệnh.
Mẹ Quyên yêu thương con gái nhiều nhưng do không có tiền nên đành phải để con đi xa nhà. Quyên kể, dù Quyên gửi nhiều tiền về như thế, nhưng bữa cơm của hai mẹ con ở nhà cũng chỉ rau dưa, mắm muối. Mẹ Quyên nuôi mấy con gà để lấy trứng, thi thoảng đi chợ cũng mua thêm cá, thịt nhưng nhường hết cho em trai Quyên, còn bà thì ăn cơm với rau tự trồng và lạc rang muối.
Và có biết bao nhiêu cô gái chỉ vì cần tiền để đổi đời? |
Mẹ Quyên bị bệnh khớp, lại sống trên rừng nên bệnh ngày một nặng. Mỗi lần gửi tiền về Quyên lại dặn mẹ phải mua thuốc uống, nhưng mẹ tiếc tiền nên không mua, cứ dành dụm để dành cho hai con. Nhắc đến mẹ Quyên lại òa khóc: “Em bảo mẹ: Mẹ đừng tiếc tiền, mẹ hãy mua thuốc để chữa bệnh đi. Chúng con chỉ cần mẹ khỏe mạnh, sống với chúng con thật lâu. Không cần xây nhà cũng không sao, chỉ cần mẹ ở với chúng con thôi...”.
Tôi tạm biệt Quyên và dặn Quyên phải tìm việc tốt mà làm, không nên làm việc này nữa. Quyên gật đầu và nhìn tôi thật lâu, khiến lòng tôi càng thêm nghĩ ngợi. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều cô gái “làm nghề” như Quyên, nhưng chưa cô gái nào khiến tôi nặng lòng như vậy. Mong rằng một ngày nào đó khi gặp lại, lúc ấy Quyên đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc, đã xây được nhà cho mẹ dù nhỏ thôi, và mong là em có một công việc ổn định dù lương thấp. Và cũng mong xã hội hãy có một cái nhìn rộng lượng hơn đối với những người có hoàn cảnh như Quyên, để em có thể tự tin làm lại cuộc đời mình…
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
.