Pháp luật
Tăng cường công tác giám định tư pháp
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giám định tư pháp.
Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Để tổ chức thi hành Luật, Chính phủ đã thông qua Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1549/QĐ-TTg ngày 16/10/2012 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, khẩn trương đưa Luật vào cuộc sống, thúc đẩy hoạt động giám định tư pháp phát triển.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, hiện nay tồn tại một số hạn chế: Nhận thức của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương về vai trò của hoạt động giám định tư pháp chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức việc triển khai thi hành Luật và đẩy mạnh hoạt động giám định tư pháp. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp về tiêu chuẩn giám định viên, quy chuẩn chuyên môn giám định tư pháp, thời gian thực hiện giám định... còn chậm. Việc củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập ở một số ngành, địa phương và việc giám định đối với một số vụ án tham nhũng trong các lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, đất đai còn chậm...
Để khắc phục những tồn tại trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường tuyên truyền, quán triệt các quy định của pháp luật về giám định tư pháp; nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng; lập kế hoạch cụ thể về thực hiện Luật Giám định tư pháp và triển khai công tác giám định tư pháp trong phạm vi ngành, địa phương; phân công lãnh đạo bộ, UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo công tác giám định tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ gắn với yêu cầu xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng.
Các bộ có liên quan cần khẩn trương rà soát hệ thống văn bản pháp luật, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn giám định, trong đó có một số lĩnh vực giám định tư pháp phức tạp như thuế, tài chính, đất đai...
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo công tác kiện toàn tổ chức; đẩy mạnh triển khai các biện pháp xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức giám định tư pháp độc lập ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tư pháp phải thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp đã được phân công; tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với một số bộ, ngành, địa phương chậm tổ chức triển khai thi hành Luật, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ biện pháp cần thiết để thúc đẩy việc thi hành Luật Giám định tư pháp…
Chinhphu