(Congannghean.vn)-Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, 18 xã đạt 19/19 tiêu chí và 7 xã đạt 17/19 tiêu chí. Tùy theo đặc điểm tình hình, mỗi địa phương đã có những cách làm riêng, song cái chung nhất mà các vùng quê đạt được chính là sự văn minh, no ấm và bình yên đang hiện hữu trong mỗi ngôi nhà, trên từng thôn, xóm khi mùa xuân về.
Vận động người dân hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới |
Sắc xuân tỏa khắp vùng quê
Những ngày cận Tết Đinh Dậu, chúng tôi có chuyến công tác lên xã Tam Thái, huyện Tương Dương. Đối với người dân địa phương, Tết năm nay có phần sung túc hơn, bởi với chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước, không chỉ có kinh tế của các hộ gia đình ngày càng phát triển mà bộ mặt nông thôn cũng ngày càng khởi sắc.
Tính đến nay, xã Tam Thái đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Xác định xây dựng NTM là một chương trình lớn của Đảng và Nhà nước bao gồm nhiều nội dung và có tính toàn diện, trong đó người hưởng lợi trực tiếp là cộng đồng dân cư, do vậy, để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, xã Tam Thái xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải được đặt lên hàng đầu.
Trên cơ sở những tài liệu về NTM của các cấp, Ban quản lý xây dựng NTM của xã đã biên tập lại các nội dung cốt lõi, dễ hiểu, dễ nhớ để triển khai trong nhân dân. Ông Lô Vĩnh Tình, Chủ tịch UBND xã Tam Thái cho biết: “Tam Thái là 1 trong 2 xã điểm xây dựng NTM của huyện Tương Dương. Trong 5 năm triển khai, xã đã huy động được gần 67 tỉ đồng đầu tư vào các tiêu chí địa phương, hoàn thành 19/19 tiêu chí. Để thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy có nghị quyết chuyên đề; UBND xã có kế hoạch thực hiện chương trình; các tổ chức, đoàn thể có kế hoạch cụ thể theo ngành, đơn vị phụ trách và phân công trách nhiệm cho từng cá nhân”.
Sau gần 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở Tam Thái đã khởi sắc, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên, giao thông thuận lợi, đường liên xã, liên thôn đều được bê tông hóa, khang trang, sạch, đẹp. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 21 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%; Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhiều thôn, bản của xã đạt danh hiệu thôn, bản văn hóa. Hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, ANTT trên địa bàn được giữ vững...
Mặc dù không phải là xã điểm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn đã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tết năm nay, khắp làng trên xóm dưới tràn ngập niềm vui, nhân dân phấn khởi, tự hào với những thành quả đã đạt được.
Để xây dựng NTM, người dân xã Nghĩa Sơn đã hiến và giải toả 2.600 m2 đất (tương đương 1,6 tỉ đồng) để làm các tuyến đường, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 80%; 7/9 xóm đạt tiêu chuẩn làng văn hóa; Đảng bộ xã nhiều năm liền đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”, chính quyền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ... Trong quá trình xây dựng NTM, xã Nghĩa Sơn đã huy động hơn 96 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 28,5 tỉ đồng.
Mô hình trồng cam cho thu hoạch hàng tỉ đồng mỗi năm ở xã Nghĩa Sơn |
Nhân rộng niềm vui
Tam Thái và Nghĩa Sơn chỉ là 2 trong số 13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh. Dự tính đến cuối năm 2016, Nghệ An có 34 xã đạt chuẩn NTM. Ông Nguyễn Hồ Lâm, Chánh Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Kết quả đã đạt được ở các xã NTM khẳng định sự nỗ lực của chính quyền và người dân. Tuy nhiên, các tiêu chí đã đạt có thể không được giữ vững nếu các xã không tiếp tục phấn đấu duy trì. Ví dụ như tiêu chí môi trường, hiện nay lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều nên cần tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân và có giải pháp xử lý triệt để. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Ngoài ra, chính quyền cơ sở cũng như các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục định hướng, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, vận động người dân đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa để tổ chức lại sản xuất, tăng thu nhập. Bởi chỉ có thu nhập cao thì đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân mới được cải thiện”.
Thực tế cho thấy, từ khi có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhân dân rất vui mừng, phấn khởi bởi các địa phương có thêm điều kiện để triển khai nhanh chóng các công trình cải tạo hệ thống kênh mương, cầu cống, đường sá, góp phần đổi mới diện mạo vùng quê.
Song song với đó, tập trung vào mục tiêu điện khí hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng hàng chục chợ ở các xã vùng sâu làm nơi đầu mối thu gom sản phẩm, trao đổi hàng hoá thuận lợi, giúp nông dân không bị tư thương ép giá.
Bên cạnh việc đầu tư tập trung cải thiện kết cấu hạ tầng là nỗ lực phát huy tiềm lực kinh tế, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác và chuyển đổi cách sản xuất mới hướng tới thị trường đi đôi với đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo và quan tâm thực hiện tốt các chủ trương về văn hóa, xã hội...
Những giải pháp đồng bộ đó đang từng bước đưa đời sống văn hóa xã hội nông thôn xích gần với thành thị, người nông dân ngày càng có điều kiện để tiếp cận những dịch vụ xã hội tốt hơn; cuộc sống văn minh đang đến với người dân nông thôn, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.