Ô tô - Xe máy
Thị trường ôtô năm 2019: Sức cạnh tranh cao
(Congannghean.vn)-Năm 2018, yếu tố thuế nhập khẩu xe trong khu vực ASEAN xuống 0% đã không làm giá xe tại Việt Nam giảm. Vậy sang năm 2019, khi mà nguồn cung xe đã ổn định, các doanh nghiệp sản xuất trong nước ngày một phát triển với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, người tiêu dùng hy vọng giá ôtô tại Việt Nam vì thế mà giảm sâu.
Ôtô ngày càng nhiều khiến áp lực lên giao thông đô thị càng lớn |
Theo đó, những tháng đầu năm 2019, nhu cầu mua xe đi Tết đã không còn, thị trường bắt đầu đi vào hoạt động theo đúng quỹ đạo, mức tiêu thụ xe trong tháng Tết đã giảm như thường lệ. Có thể thấy người mua đã dần “bình tĩnh” để cân nhắc, lựa chọn với kỳ vọng thị trường ôtô Việt Nam năm 2019, khi không còn vướng “rào cản” Nghị định 116, sẽ “bon nhanh”.
Sự phục hồi của thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2019 còn được hỗ trợ từ nhu cầu tiêu dùng ôtô trên thị trường đang tăng mạnh. Hiện tỉ lệ sở hữu xe ở Việt Nam mới đang ở con số 20 xe/1.000 dân, trong khi đó, tỉ lệ này ở Thái Lan vào khoảng 80 xe, còn ở các quốc gia phát triển thì tỉ lệ này từ 200 - 400 xe. Phân tích từ các chuyên gia thị trường cũng cho rằng: "Ngành bán lẻ ôtô Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng" bởi thu nhập của người Việt đang không ngừng tăng lên.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2019, kim ngạch nhập khẩu của ngành hàng ôtô ước đạt 598 triệu USD. Trong đó, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc được đưa về thị trường Việt Nam đạt khoảng 10.000 chiếc, đạt trị giá 248 triệu USD. Với con số này, lượng xe nguyên chiếc vào thị trường Việt Nam đã giảm đáng kể so với tháng trước đó với hơn 14.000 xe. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước thì lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng mạnh do đầu tháng 1/2018, Nghị định 116 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô với nhiều quy định mới khắt khe hơn với ôtô nhập khẩu.
Tại Nghệ An, từ 1/1 - 10/3 có 3.594 xe ôtô đăng ký mới. Riêng tổng số xe ôtô trên địa bàn trong tháng 2 là 109.778 xe. Tuy nhiên, năm 2019, thị trường ôtô cũng được dự báo là sẽ cạnh tranh khốc liệt khi lượng xe bình dân (giá từ 400 - 600 triệu đồng) sẽ gia tăng nhập khẩu từ khu vực ASEAN để tiếp tục được hưởng mức thuế ưu đãi 0%. Xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực này sẽ có lợi thế về giá và không còn “vướng” về chính sách.
Năm 2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhiều khả năng sẽ có hiệu lực. Như vậy, dự kiến các mẫu ôtô cao cấp được nhập khẩu nguyên chiếc từ EU (Pháp, Ý, Đức, Thụy Điển…) cũng có cơ hội cạnh tranh tốt hơn nhờ ưu đãi thuế (theo thỏa thuận, thuế nhập khẩu đối với ôtô có xuất xứ từ châu Âu sẽ được cắt giảm dần từ mức 70% về 0% trong vòng 10 năm tới). Sau khi loại bỏ thuế nhập khẩu, mức giá của ôtô đến từ các quốc gia này dao động trong khoảng 300 - 500 triệu đồng, phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam. Bên cạnh mức giá "mềm", người tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn hơn với các dòng xe từ Indonesia và Thái Lan. Các dự báo cho thấy, doanh số của các dòng xe bình dân và trung cấp trong năm 2019 được kỳ vọng sẽ tăng mạnh ở mức 20% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện nay, Thaco vừa khánh thành nhà máy ôtô mới, công suất thiết kế 100.000 xe/năm sử dụng dây chuyền tự động hóa, chất lượng tương đương Nhật Bản. Còn VinFast trong năm 2019 cũng sẽ đưa vào sản xuất ôtô tại nhà máy có công suất ban đầu 250.000 xe/năm… Từ đó, có thể dễ dàng thấy được nguồn cung ôtô trong năm 2019 sẽ tăng lên.
Việc nhiều thương hiệu ôtô đầu tư sản xuất quy mô lớn không chỉ giúp chất lượng ôtô trong nước tăng lên mà còn góp phần giúp giá thành các mẫu xe lắp ráp được giảm xuống. Theo các chuyên gia dự báo, giá xe trong năm 2019 có thể sẽ có chiều hướng giảm đối với các dòng xe bình dân nhưng không hề rẻ; còn các dòng xe cao cấp sẽ không có nhiều biến động bởi vẫn chịu thuế, phí bình thường.
Tuệ Trang