Ô tô - Xe máy

Ô tô 100 triệu: Cám cảnh khổ chủ vừa đi vừa sửa

10:25, 10/01/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Chỉ mất 40-100 triệu đồng đã mua được 1 chiếc ô tô vi vu suốt cả năm, nhưng thường sau 1 năm, nhiều khổ chủ cũng phải tống khứ chiếc xe vì cám cảnh vừa đi vừa sửa.

Khéo mua thì sướng cảnh lên đời 4 bánh

Số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2018 khoảng 2.540 USD/người/năm (khoảng 59 triệu đồng).

Giới chơi xe nhìn hài hước rằng, để mua được chiếc ôtô rẻ nhất thị trường hiện nay là Chevrolet Spark Duo giá 259 triệu đồng, dân có thu nhập trung bình này cần nhịn tiêu tiền hơn 4-5 năm mới có thể lên đời xế hộp 4 bánh.

Ô tô 100 triệu: Cám cảnh khổ chủ vừa đi vừa sửa
Một chiếc Deawoo Matiz được chủ xe dọn dẹp sạch sẽ, trông khá đẹp giá dưới 100 triệu đồng

Mong muốn lên đời 4 bánh “đập hộp” của đa số người dân Việt Nam đến nay vẫn là khó khăn lớn nhưng nếu chỉ đơn giản cần một chiếc ô tô che nắng che mưa, chở được cả gia đình... thì 100 triệu hay thậm chí 36 triệu cũng vẫn mua được.

Anh Phạm Thành Nam (Đội Cấn, Hà Nội) vẫn còn nhớ cảm giác 5 năm về trước khi trong túi chỉ có 30 triệu đồng nhưng vẫn quyết định mua ôtô. “Ngay khi nhìn thấy chiếc xe ưa nhìn, hỏi giá chỉ có 36 triệu đồng, tôi mua liền tay vì cũng ở chỗ người quen”, anh nói.

Ô tô 100 triệu: Cám cảnh khổ chủ vừa đi vừa sửa
Honda Accord đời 1992 khá sâu nhưng được đánh giá bền bỉ và giá rẻ

Đó là chiếc Lada Niva sản xuất tại Nga năm 1986, dù đã mất cầu trước nhưng mọi thứ đều ổn. Anh Nam vi vu suốt một năm với chiếc xe giá trị chỉ bằng xe máy Honda AirBlade, chi phí ngoài tiền xăng, đăng kiểm một năm 2 lần, thay ắc-quy mới không tốn thêm khoản nào khác, thậm chí cả tiền gửi xe cũng không lo vì xe đỗ cả đêm ở ngoài ngõ, trộm cũng không màng tới.

“Dù là chiếc xe cũ hàng chục năm tuổi, nhưng giá trị đổi lại trong những ngày Hà Nội mưa rét hay chục ngày Tết cả nhà đi chơi mệt nghỉ thì rất xứng đáng”, anh Nam nói.

Tuy nhiên, sau 1 năm chạy xe, căn bệnh "hắt hơi xổ mũi" của xe cũ bắt đầu phát tác khiến anh Nam đành phải tìm cách bán vội.

Thực tế, để mua được một chiếc ô tô "rẻ mà ngon" thì phụ thuộc khá nhiều vào may rủi và biệt tài đánh giá xe của từng khách.

Suốt một tháng lên mạng tìm kiếm, lẫn cả đi Sóc Sơn, Hà Đông là những nơi có nhiều người kinh doanh xe “cỏ” nhưng Minh Đức, một nhân viên môi giới bất động sản mới vào nghề chưa lâu vẫn chưa tìm được chiếc xe ưng ý.

Anh nói: “Tôi phải đi tỉnh nhiều nhưng vốn liếng còn ít không thể mua xe mới, kiếm tạm mấy xe rẻ như Matiz, Suzuki Wagon, Lanos đi cho an toàn, nhưng chất lượng để yên tâm thì đúng là hên xui”.

Một người bạn làm kỹ thuật viên hãng xe cũng đã tư vấn anh Đức nên cố thêm khoảng 100 triệu nữa để kiếm mấy chiếc đời cao nhưng điều này là chưa khả thi với tính toán hiện tại.

“Có chiếc Deawoo Matiz SE đời 2008 chủ xe báo chỉ 95 triệu, xem ảnh long lanh lắm mà khi tôi kiểm tra gầm thấy xuống cấp...”, anh Đức nói.

Đến lúc chán nản không tìm xe nữa thì tình cờ đến nhà người thân ở Hải Dương chơi, anh Đức thấy chiếc Honda Accord 2.2 AT đời 1990 của người hàng xóm tiếng máy nổ rất êm. Sau khi xem xe, vị khách này đã thuyết phục chủ xe bán lại với giá 105 triệu, ra lộc 5 triệu.

“Chiếc xe đúng bằng năm sinh của tôi nhưng có chuyến đi về 200 km trong ngày mà chạy vẫn ổn. Tết này tự tin đưa bố mẹ đi thăm họ hàng hơn là một mình chạy Honda SH”, Minh Đức vui vẻ nói.

Sống chung với bệnh "hắt hơi xổ mũi" của xe cũ

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như các vị khách trên. Cùng trong hội chơi xe Lada, chiếc Niva cũ của anh Ngọc Tuấn (đường Láng, Hà Nội) sau khi mua về, đã bỏ thêm 25 triệu đồng làm lại đồng sơn, bổ máy nhưng liên tục gặp trục trặc trên đường, cuối cùng đành bị chủ nhân vứt xó cả năm qua.

Ô tô 100 triệu: Cám cảnh khổ chủ vừa đi vừa sửa
Một chiếc Lazda Niva do Liên Xô cũ sản xuất được chủ xe độ lại theo phong cách Offroad

Mới đây, anh Quang Huy ở Long Biên Hà Nội chia sẻ trên diễn đàn Hội xe Matiz & Spark: “Từ ngày mua con xe cũ, rẻ, nát. Cắm đầu sửa. Đặt đồ linh tinh về thay thế các thứ. Rồi tiền lương cứ ném vào mua bán lặt vặt. Lại thêm các khoản chi hàng ngày hàng tháng, có lúc chẳng đưa vợ được đồng nào. Vợ không nói hẳn ra nhưng cũng bóng gió. Chắc phải bán xe sớm”. 

Cùng tâm trạng uể oải, thành viên Nguyễn Linh ức chế về cái bệnh trên chiếc Spark của mình, cứ đi mưa, lạnh là òa ga rồi tắt máy, không đề lại được.

“Nếu bác nào không có chút kiến thức hiểu biết gì về ôtô, không có năng khiếu lọ mọ thì lời khuyên là nên cố mua xe mới mà đi. Ai mà biết chút thì xe cũ rất dễ và sửa chữa rẻ, xe ít nằm gara”, anh Phan Anh nhận xét trên diễn đàn này.

Hiện nay thị trường ôtô cũ tại Việt Nam khá phong phú về chủng loại, nhưng để mua xe từ 100 triệu trở lại, khách chỉ có thể lựa chọn các dòng xe sản xuất trước năm 2000, cá biệt đời cao hơn có Deawoo Matiz, Chevrolet Spark sản xuất trong nước từ 2004 đến 2008, số sàn.

Ở phân khúc giá cao hơn từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng, khả năng chọn được chiếc xe chạy ổn định sẽ nhiều hơn.

Theo anh Đình Phúc, cửa hàng chuyên kinh doanh xe cũ ở số 8 Dương Đình Nghệ (Hà Nội), phân khúc xe từ 50 đến 100 triệu hiện nay không được các chủ showroom yêu thích bởi xe “nát” nhiều, tốn công dọn mà lãi thấp. Tuy nhiên, đây lại là phân khúc giá rất được quan tâm từ những người có túi tiền khiêm tốn.

Tuy nhiên, khách mua phải hết sức tinh ý. Mua ôtô cũ, rẻ luôn tiềm ẩn những rủi ro về mặt kỹ thuật bởi dù gì những chiếc xe này đã tồn tại ít nhiều vài ba thập niên, số kilomet đã chạy quá nhiều đến ngưỡng cần đại tu. Phần lớn xe chạy dịch vụ thải loại hoặc đã từng tai nạn mới có giá bán rẻ, chưa kể nếu qua tay chủ buôn có tay nghề, sau “mông má” trông nuột nà rất hấp dẫn.

Do đó, chuyện “hắt hơi, xổ mũi”, vừa đi vừa sửa là một phiền toái phổ biến cho xe ô tô siêu rẻ này là điều các khách hàng đôi khi phải chấp nhận và cũng là rất bình thường bởi thời gian sử dụng cũng như chất lượng tương xứng đồng tiền bỏ ra. Đó là chia sẻ từ anh Đại Dương, chủ gara ôtô trên phố Nguyễn Phúc Lai.

Bản thân anh Dương cũng chơi xe cổ Volkswagen nên việc một ngày đẹp trời áo quần tinh tươm lái chiếc xe đời 1968 đi chơi, vẫn phải vắt áo lên thành ghế, sắn tay áo kiểm tra máy, chế hòa khí. “Biết xe bị sao và khắc phục thế nào, khi ấy chuyện sống chung với lũ mới dễ”, anh Dương nói.

 

Nguồn: Vietnamnet

Các tin khác