Ô tô - Xe máy
'Bí kíp' hóa giải nỗi sợ đạp nhầm chân ga với chân phanh
10:52, 24/12/2018 (GMT+7)
Chỉ cần lên Google và tìm kiếm bằng từ khóa “đạp nhầm chân ga”, trong vòng 0,35 giây, bộ máy tìm kiếm khổng lồ này sẽ cho tới hơn 3 triệu kết quả. Điều này cho thấy, sự nhầm lẫn giữa chân ga và chân phanh gây ám ảnh đối với tài xế như thế nào.
Đạp nhầm chân ga với chân phanh được coi là nỗi sợ ám ảnh không ít các tài xế, đặc biệt là các tay lái nữ. Thế nhưng, điều này không phải không có cách để "hóa giải".
Các vụ tai nạn do đạp nhầm chân ga với chân phanh hàng năm ở mỗi quốc gia có thể lên tới hàng nghìn vụ. Trong số đó, số các vụ xảy ra với các tài xế nữ chiếm tỷ lệ lớn hơn khá nhiều.
Khi công nghệ ngày càng hiện đại, các hãng xe cũng cố gắng tích hợp các tính năng giúp hạn chế việc xe bị tăng tốc đột ngột cũng như khả năng phanh khẩn cấp, giúp các tài xế yên tâm hơn. Tuy vậy, những yếu tố đến từ người lái xe trong các lưu ý dưới đây vẫn luôn được đặt lên hàng đầu để khắc phục được tình trạng đạp nhầm chân ga với chân phanh.
Sử dụng giày đế phẳng thay vì giày cao gót
Với các nữ tài xế, đây là vấn đề cần đáng lưu ý nhất. Theo một nghiên cứu của Anh năm 2017, có đến 80% số người tham gia khảo sát thừa nhận mang giày không đúng cách khi điều khiển ôtô. 40% trong số đó nói rằng họ mang giày cao gót. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến việc điều khiển xe mất an toàn.
Giày cao gót với diện tích tiếp xúc với mặt sàn nhỏ khiến lực tác động ở phần đầu chân lên bàn đạp phanh, ga không tối ưu, thậm chí thiếu lực.
Trong một số trường hợp, chân người lái có thể bị trượt khỏi bàn đạp phanh. Hay trong những tình huống bất ngờ, người lái mất bình tĩnh có thể đạp nhầm chân ga thay vì phanh hoặc ngược lại. Vì thế, tài xế khi điều khiển xe ô tô cần sử dụng giày đế mỏng, phẳng để thao tác tốt hơn với phanh, ga.
Dùng chân trần để điều khiển xe cũng được khuyến cáo là không nên, vì có thể khiến chân mỏi trong những hành trình xa. Trong các trường hợp nhất thiết phải đi giày cao gót, nữ tài xế nên mang thêm một đôi giày đế phẳng để dành riêng cho việc lái xe.
Khi lái xe, không nên đi giày cao gót. |
Với tài xế nam, không nên đi giày có đế quá dầy, bởi khi đó sẽ khó cảm nhận độ đàn hồi, mức độ đạp ga, phanh. Giày đế mỏng, mềm sẽ cho cảm nhận thật chân hơn, dễ phản ứng hơn.
Đặt vị trí chân đúng cách
Trước tiên là tư thế ngồi. Người lái cần điều chỉnh ghế ngồi sao cho thoải mái nhất, dễ dàng và linh hoạt trong việc điều khiển chân phanh, ga, phanh tay, cần số. Tài xế cần giữ vững nguyên tắc gót chân không rời sàn xe.
Theo các chuyên gia, nếu chân trái mặc định cho vị trí bàn đạp côn, chân phải thao tác với phanh, ga mới là điểm cần lưu ý.
Lời khuyên là đặt vị trí chân phải ở bàn đạp phanh. Đối với xe số tự động không có bàn đạp côn, không sử dụng chân trái để đạp phanh, chân phải đạp ga.
Khi muốn đạp ga, người lái chỉ xoay gót chân sang phải và chỉ đạp một nửa bàn chân. Thao tác này cần được tập luyện nhiều lần để tạo thành thói quen.
Khi nhả chân ga, luôn để hờ chân ở bàn đạp phanh đề phòng các trường hợp khẩn cấp.
Giữ tinh thần tỉnh táo, tập trung
Nếu bị tác động bởi sự mệt mỏi, cơn buồn ngủ hay chất kích thích đều có thể khiến người lái phân tâm dẫn đến những xử lý không còn chuẩn xác.
Cần ngủ đủ trước mỗi hành trình dài và tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia hay ma túy. Sau mỗi 4 tiếng cầm lái, cần có thời gian nghỉ ngơi thư giãn trước khi tiếp tục hành trình.
Nguồn: V.Cường/CAND