Rò rỉ nhiên liệu, hệ thống điện lão hóa,… là những nguyên nhân thường thấy ở mỗi các vụ xe cháy, nhưng vẫn còn những lý do khác mà không phải ai cũng biết.
Tạo thói quen kiểm tra xe thường xuyên sẽ giúp người dùng phát hiện sớm những nguy cơ gây cháy nổ xe - Ảnh minh họa. |
Xe hơi sau một thời sử dụng nếu không chăm sóc đúng cách, sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dẫn đến cháy nổ. Các bộ phận bị "lão hóa" theo thời gian đều có thể trở thành tác nhân sinh nhiệt tạo ra những đám cháy nhỏ trước khi thổi bùng thiêu rụi chiếc xe.
Hệ thống điện và dây dẫn xuống cấp được xác định là một trong những nguyên nhân phổ biến gây cháy xe. Các mối nguy hiểm từ hệ thống điện nằm ở khắp nơi trên xe, từ khoang ca-bin, trên cửa xe, sàn xe, ghế ngồi… Vì một lý do nào đó, hệ thống này không còn giữ được sự nguyên vẹn mà người dùng không kịp thời phát hiện và xử lý thì nguy cơ gây chập cháy là rất cao.
Nhiều thống kê chính thức đều chỉ ra rằng, rò rỉ nhiên liệu là tác nhân lớn nhất gây nên cháy xe. Hệ thống dây dẫn và bình chứa bị rò nhiên liệu có thể do lão hoá, chuột tấn công hoặc do vật nhọn đâm cắt trong quá trình sử dụng, thậm chí cả khi sửa chữa bảo dưỡng xe.
Khi nhiên liệu thoát ra ngoài tiếp xúc với các bộ phận đang ở nhiệt độ cao trên xe hơi hoặc gặp nguồn gây cháy như tàn thuốc hay nhiệt độ không khí cao,… sẽ khiến chiếc xe bốc cháy tức thì trong một khoảng thời gian rất ngắn. Bởi vậy, khi phát hiện mùi nhiên liệu, chủ sở hữu nên lập tức dừng xe để kiểm tra và tìm ra biện pháp khắc phục kịp thời.
Chất lượng nhiên liệu cũng là vấn đề cần lưu tâm khi sử dụng. Khi nhiên liệu được pha hàm lượng chất gây cháy cao hoặc bị lẫn tạp chất độc hại,… cũng sẽ khiến cho quá trình ăn mòn, lão hóa kim loại và các gioăng cao su diễn ra nhanh hơn thông thường, dẫn đến tình trạng rò rỉ nhiên liệu.
Nhiều người cho rằng, các loại dầu nhớt trên xe như dầu động cơ, dầu cầu truyền động, dầu thước lái, dầu phanh,… sẽ không thể tạo ra hiện tượng cháy nổ cho ô tô. Tuy nhiên, khi các loại dầu này không phát huy được tác dụng hoặc không lưu chuyển khi xe vận hành, sẽ khiến các bộ phận được làm mát bị quá nhiệt, gây nứt vỡ,… và trở thành tác nhân gây cháy.
Động cơ là chi tiết được thiết kế để hoạt động trong môi trường có giới hạn nhiệt độ và được làm mát bởi hệ thống phức hợp gồm gió và dung dịch. Khi nước làm mát bị hao hụt, quạt tản nhiệt bị hư hỏng hay ECU quản lý động cơ hoạt động không chính xác,… động cơ có thể bị tăng nhiệt quá giới hạn cho phép. Khi đó, các loại dung dịch liên quan sẽ bị đun sôi gây nên hiện tượng phun sương, trào ra những nơi có nhiệt độ cao và dễ dàng bị đốt cháy và lan rộng.
Rửa hay vệ sinh động cơ là thói quen tốt giúp máy vận hành êm hay tăng tuổi thọ tuy nhiên nếu rửa sai cách có thể khiến động cơ bị hỏng nhanh chóng.
Không hiếm những trường hợp xe bốc cháy ngay sau khi tai nạn. Tùy thuộc vào khu vực tác động, một tai nạn xe hơi có thể gây ra một vụ cháy xe. Bình chứa vốn không được thiết kế giảm thiểu xung lực do va chạm, nên nhiên liệu dễ bị thoát ra ngoài khi xe gặp va chạm và rất dễ gây cháy khi tiếp xúc trực tiếp với tia lửa và các bộ phận đang nóng của xe. Bởi vậy, sau khi xảy ra tai nạn, người trong xe tốt hơn hết hãy thoát nhanh ra khỏi xe, hoặc cần được trợ giúp để có thể ra khỏi xe nếu bị thương, vì rất khó để biết nhiên liệu có bị chảy ra ngoài ngay sau tai nạn hay không.
Thói quen kiểm tra và chăm sóc xe định kỳ cần được các chủ sở hình thành, bởi đôi khi vì công việc mà để lãng quên chiếc xe mang theo những nguy cơ hỏng hóc và cháy nổ. Với việc dành chút thời gian mỗi sáng để mở nắp capo lên và quan sát, những khu vực bị rò rỉ, dây điện bị đứt hay lão hoá,… sẽ được khắc phục kịp thời. Khi đó, mức độ rủi ro gây ra cháy xe có thể được giảm thiểu đến mức tối đa.