Ô tô - Xe máy
Để không mất mạng khi lái xe qua đường sắt
Tai nạn đường sắt luôn để lại hậu quả nặng nề không chỉ về mặt kinh tế mà còn gây thiệt hại đến tính mạng con người.
Liên tiếp những vụ tai nạn liên quan đến tàu hỏa xảy ra trên cả nước trong thời gian qua, mà kết quả đều rất thảm khốc. Không chỉ phương tiện bị phá hủy hoàn toàn, mà hầu hết các vụ việc đều gây chết người. Vụ tai nạn gần nhất xảy ra tại Bình Định hôm 24-4 vừa qua giữa tàu hỏa và chiếc Toyota Innova đã khiến 4 người thiệt mạng và hai người ngồi trên ô tô bị thương nặng.
Chiếc xe tải bị phá hủy hoàn toàn sau va chạm với tàu hỏa tại Bình Định hồi đầu tháng 4 năm nay - Ảnh: CAND |
Thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ghi nhận, chỉ trong một tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra 43 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 19 người và bị thương 38 người. Như vậy, tính trung bình, cứ gần hai vụ tai nạn đường sắt lại có một người thiệt mạng và số người bị thương là gần một người/vụ. Bên cạnh đó, các phương tiện liên quan đến tai nạn hầu hết đều không thể phục hồi.
Không những vậy, có không ít vụ tai nạn còn khiến cho tàu hỏa bị lật hoặc chệch khỏi đường ray, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho xã hội và làm gián đoạn quá trình vận chuyển trên tuyến đường sắt huyết mạnh Bắc Nam.
Nguyên nhân xảy ra tai nạn đường sắt đã được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giao thông vận tải thống kê và đánh giá do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, phần nhiều các vụ tai nạn xuất phát từ nhận thức của người tham gia giao thông về đường ngang và quy định của pháp luật khi tham gia giao thông qua đường ngang còn nhiều hạn chế.
Thực tế cho thấy, mạng lưới đường sắt Việt Nam hiện có hơn 6.000 điểm giao cắt với đường bộ, trong đó chỉ 1.500 điểm có gác phòng vệ bằng cảnh báo tự động và biển báo. Hơn 4.500 lối đi dân sinh không có gác chắn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và thường trực đe dọa xảy ra tai nạn.
Trong khi đó, việc phanh hãm một đoàn tàu hỏa là không hề dễ dàng. Do động lượng của tàu hỏa là rất lớn và lực ma sát tăng phanh đối với bánh xe có hạn, nên quãng đường phanh của một đoàn tàu từ thời điểm người điều khiển mở van phanh đến lúc dừng hẳn lên đến 500 m (ở tốc độ khoảng 60 km/h). Không những vậy, trong trường hợp phanh hoặc va chạm đột ngột, thì quán tính của các toa xe có thể khiến cho đoàn tàu bị trượt bánh, làm đổ tàu.
Theo luật giao thông đường bộ, đường sắt được quy định là đường ưu tiên. Do vậy, khi tham gia giao thông tại điểm giao cắt với đường sắt, người đi bộ điều khiển các loại hình phương tiện khác bắt buộc phải chú ý quan sát và tuyệt đối không nên băng qua đường sắt khi đã nhận được tín hiệu cảnh báo, nhất là khi đã nhận diện được tàu hỏa trong tầm quan sát.
Thực tế ghi nhận, đa phần các vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại các đường ngang dân sinh tự mở, vốn không có cảnh báo và bề mặt đường cắt thường không đảm bảo cho các phương tiện khác băng qua một cách an toàn.
Không khó để tìm thấy một đường giao cắt dân sinh qua đường sắt có bề chiều ngang hẹp, độ dốc lớn và bề mặt mấp mô, gồ ghề,… vốn không dễ dàng cho việc điều khiển phương tiện hoặc bị hạn chế tầm nhìn khi băng qua.
Để giữ an toàn mỗi khi băng qua đường sắt trong mọi thời điểm, người điều khiển phương tiện nên giữ thói quen tập trung và dành thời gian quan sát các tín hiệu cảnh báo giao thông, trước khi cho người và phương tiện di chuyển lên đường ray sang phía đối diện. Người điều khiển ô tô đừng ngại khi hạ cửa kính xe để lắng nghe, điều này có thể phát hiện ra sự xuất hiện của tàu hỏa băng âm thanh còi tàu, khi phương tiện này vẫn nằm ngoài tầm quan sát.
Giảm tốc độ phương tiện, thậm chí dừng hẳn với khoảng cách chừng 5m để quan sát hai hướng của đường sắt. Đánh giá độ dốc từ mặt đường và chất lượng bề mặt đường nơi giao cắt với đường sắt sẽ giúp người điều khiển phương tiện đưa ra quyết định an toàn hơn với khả năng vận hành của chiếc xe.
Việc di chuyển một chiếc xe máy hoặc ô tô số sàn qua đường sắt nhiều mấp mô và dốc lớn luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Khi không đánh giá được độ xấu của mặt đường, người điều khiển có thể làm cho phương tiện bị chết máy hoặc mắc kẹt ngay trên đường sắt.
Do vậy, ngay khi cảm nhận được an toàn, nên cho xe băng qua đường sắt một cách nhanh nhất. Nếu là xe máy hoặc xe số sàn thì nên cài số nhỏ và sử dụng chân/tay ga dứt khoát. Trong trường hợp xe bị kẹt giữa đường tàu, người điều khiển phương tiện và hành khách trên xe (nếu có) nên rời ngay khỏi xe và phát cảnh bảo trợ giúp với những người đang tham gia giao thông.
Ở tình huống xấu khi phương tiện không thể vượt qua được đường ray khi tàu đã nằm trong tầm quan sát. Người điều khiển phương tiện nên mở toàn bộ chốt cửa, kêu gọi mọi người nhanh chóng rời khỏi xe và đừng cố lấy theo đồ đạc. Sau khi rời xe, cố gắng di chuyển ra xa hoặc ngược với hướng tàu đang tới để tránh những mảnh vỡ khi tàu va chạm với phương tiện đang bị kẹt trên đường ray.
Theo Báo CAND