Thời gian gần đây, hiện tượng “móc cốp – trộm đồ” càng ngày càng gia tăng với tần suất cao. Việc móc cốp chủ yếu xảy ra với những chiếc xe tay ga "xịn" như SH, Vespa LX, Spacy, Attila... Đơn giản là vì những chiếc xe này có cốp to, khá “thuận tiện” cho việc “rút ruột” trong khi phần lớn chủ nhân của chúng luôn mang trong người nhiều tiền và đồ có giá trị.
Mất đồ vì tin vào cốp xe ga
Nạn nhân của những vụ “rút ruột” này chủ yếu là phụ nữ vốn hay có thói quen để tài sản và giấy tờ tùy thân trong cốp xe. Chị Yến, nhà ở Trung Tự cho biết: “Bây giờ nạn cướp giật trên đường phố xảy ra nhiều, để tài sản trong cốp xe là an toàn nhất. Với cả mua xe có cốp to, không tận dụng cũng thấy phí lắm, vừa an toàn, vừa không phải mang vác lỉnh kỉnh”. Chính vì có suy nghĩ như vậy nên rất nhiều người đã tin tưởng và phó mặc “số phận” tài sản của mình vào những chiếc cốp xe. Để rồi sau đó, họ đã không may bị các “anh thợ” moi cốp xe “hỏi thăm”.
Khi những chiếc cốp xe không còn là nơi an toàn. |
Có thể kể ra hàng loạt vụ vì chủ quan tin vào chiếc cốp xe mà phải trả giá đắt. Chị Hải, công tác tại một công ty truyền thông, chỉ vì quá tin tưởng vào độ an toàn của chiếc cốp xe nên chị đã để túi xách trong cốp xe và đi vào lấy đồ. Lúc trở ra, chị điếng người khi phát hiện chiếc túi xách trong đó có ví và toàn bộ giấy tờ đã không cánh mà bay. Trường hợp của chị Thạch, làm việc tại công ty máy tính HP cũng là một điển hình. Dừng xe để mua đồ, mặc dù đã cẩn thận đứng ngay trước đầu xe của mình nhưng khi mở cốp lấy tiền trả, chị giật mình khi hai chiếc điện thoại iPhone đắt tiền đã tự nhiên "bốc hơi". Điều đó không những chứng tỏ chiếc cốp xe không phải là nơi "bất khả xâm phạm" mà còn rất dễ bị "đột nhập".
Có rất nhiều người chịu chung số phận bị móc cốp vì thói quen “xấu” để đồ trong cốp xe. Khi được hỏi, một số người cho biết cũng đã đọc nhiều thông tin qua các phương tiện truyền thông nhưng đôi lúc không thể mang hết đồ theo nên đành phải để lại trong cốp. Anh Phương, nhà ở Thanh Xuân, chia sẻ: “Cũng biết là nó không an toàn tuyệt đối nhưng nhiều khi không thể mang hết đồ đi được nên vẫn phải để trong cốp, xong thỉnh thoảng ngó qua ngó lại chứ không biết làm thế nào cả”.
"Điểm yếu", nơi làm ăn của các "anh thợ". |
Nguyên nhân cốp xe ga dễ bị "rút ruột"
Trao đổi với một số nhân viên kỹ thuật có kinh nghiệm đánh giá, những chiếc xe tay ga có cốp rộng phần lớn có diện tích yên xe lớn, thiết kế yên xe khá mềm và đơn giản nên phần giữa thân yên xe rất yếu, dễ dàng có thể bênh yên để “rút ruột”. Thử nghiệm trên vài chiếc xe tay ga có dung tích cốp chứa đồ lớn, việc bênh cốp để lấy đồ không phải là việc khó, kể cả với người chưa thực hiện việc này bao giờ. Chỉ cần dùng sức kéo phần thân yên xe lên, cộng thêm một chút "tháo vát", những thứ trong cốp xe sẽ là của bạn.
Không cần dùng quá nhiều sức bạn cũng có thể nhấc được chiếc yên xe lên một cách dễ dàng. |
Mẹo đối phó với nạn móc cốp, trộm đồ
Từ nguyên nhân như trên, những người sở hữu xe ga có thể áp dụng một số biện pháp tạm thời để đối phó với nạn móc cốp, trộm đồ. Hiện vẫn chưa có phương án để bảo vệ hay gia cố phần yên xe, tuy nhiên ở một số chiếc xe có ngăn chứa đồ chiếm ½ diện tích cốp xe như chiếc Attila Elizabeth, có một số ý kiến cho rằng việc chuyển vị trí chốt yên xe lên gần ngăn chứa đồ sẽ làm gia tăng độ an toàn và giảm thiểu tình trạng mất đồ khi bị “hỏi thăm”.
Chuyển vị trí chốt yên xe lên gần ngăn chứa đồ sẽ hạn chế việc mất đồ? |
Từ một số bài học về việc bị móc cốp, các chủ xe nên lưu ý về việc cất giữ tài sản và giấy tờ trong cốp xe. Chiếc cốp xe rất tiện dụng và an toàn chỉ khi nào bạn lưu thông trên đường phố. Còn khi chiếc xe không lăn bánh, bạn nên bảo quản tài sản bằng cách mang theo mình những đồ có giá trị hay giấy tờ quan trọng. Không để tài sản trong cốp xe còn tránh việc mất đồ khi bị trộm "cuỗm" xe. Đây chính là biện pháp bảo quản tài sản hữu hiệu nhất.