Khoa học - Công Nghệ
Phát hiện chủng mới của virus SARS-CoV-2
15:09, 08/05/2020 (GMT+7)
Chính phủ Indonesia cho biết virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tại quốc gia này khác với 3 dòng virus SARS-CoV-2 đang ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới.
Theo Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia, ông Bambang Brodjonegoro, kết luận trên được đưa ra dựa vào phân tích 3 trình tự gene của virus Corona được thu thập tại Indonesia và được Viện sinh học phân tử Eijkman gửi cho Tổ chức Sáng kiến chia sẻ toàn bộ dữ liệu về cúm mùa (GISAID).
Ảnh minh họa |
Phát biểu tại phiên điều trần trước Hạ viện, Bộ trưởng Bambang cho biết, cho tới nay, các nghiên cứu đã tìm thấy ít nhất 3 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau, được đặt tên là S, G và V.
Các chủng virus nằm ngoài 3 loại này vẫn chưa được xác định. Các mẫu được Indonesia gửi cho GISAID nằm trong số các mẫu chưa được xác định.
Trước đó, hôm 4/5, Viện Eijkman đã gửi 3 trình tự gene đã được giải mã cho GISAID. Đây là lần đầu tiên Indonesia gửi trình tự gen cho GISAID mặc dù phòng thí nghiệm thuộc Bộ Y tế này đã tập trung giải mã bộ gene virus SARS-CoV-2 ngay từ khi dịch bệnh bùng phát.
Mới đây, Chính phủ Indonesia đã chỉ định Viện Eijkman điều hành chương trình phát triển vaccine thông qua một liên danh gồm Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển thuộc Bộ Y tế (Balitbangkes), Công ty dược phẩm nhà nước PT Bio Farma và một số trường đại học.
Trong một diễn biến khác, theo Bloomberg, bên cạnh các biến chứng đã được phát hiện như suy hô hấp, ảnh hưởng hệ thần kinh và tim mạch, một mối đe dọa khác từ COVID-19 mới được phát hiện là các cục máu đông có thể gây tổn hại sức khỏe nhanh chóng, thậm chí tử vong.
Các y bác sĩ trên khắp thế giới đang chú ý đến một loạt các rối loạn liên quan đến đông máu: Từ tổn thương da lành tính ở bàn chân (đôi khi được gọi là ngón chân COVID) đến tắc nghẽn mạch máu, suy hô hấp, suy tim, đột quỵ đe dọa đến tính mạng.
Trên thực tế, đây không phải là điều bất ngờ vì nhiễm trùng thường làm tăng nguy cơ đông máu, nhưng nó vẫn được đánh giá là biến chứng do COVID-19 nghiêm trọng nhất xuất hiện trong khoảng 1-2 tháng qua.
Trong số 50 triệu người chết vì đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, không ít ca có liên quan đến biến chứng máu đông. Các loại virus bao gồm HIV, sốt xuất huyết và Ebola cũng đều được biết là sẽ khiến các tế bào máu dễ bị đóng cục. Hiệu ứng đông máu có thể còn rõ rệt hơn ở những bệnh nhân bị COVID-19.
Bà Margaret Pisani, PGS y khoa tại Đại học Yale (Mỹ), nhận định đông máu có lẽ là nguyên nhân chủ chốt nhất khiến các bệnh nhân nhiễm COVID-19 suy kiệt sức khỏe nhanh và máu bị thiếu oxy nghiêm trọng.
Nguồn: Chinhphu.vn