Thứ Năm, 20/02/2020, 15:06 [GMT+7]

EU khởi động cuộc 'chạy đua' trí tuệ nhân tạo với Mỹ, Trung

Từ các ứng dụng như robot phục vụ trong nhà tới nhận diện khuôn mặt, trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là một công nghệ của tương lai và châu Âu đang mong muốn đóng vai trò trung tâm trong việc vạch ra các quy định cũng như thúc đẩy các nỗ lực để đi đầu trong lĩnh vực này.
 
Ngày 19/2, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố chiến lược phát triển công nghệ AI trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực để bắt kịp Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này.
 
Từ các ứng dụng như robot phục vụ trong nhà tới nhận diện khuôn mặt, AI được cho là một công nghệ của tương lai và châu Âu đang mong muốn đóng vai trò trung tâm trong việc vạch ra các quy định cũng như thúc đẩy các nỗ lực để đi đầu trong lĩnh vực này. Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EC mong muốn việc ứng dụng những công nghệ mới này sẽ xứng đáng với lòng tin của các công dân EU. Bà khẳng định đó là điều khiến EC thúc đẩy một cách tiếp cận có trách nhiệm và lấy con người làm trung tâm trong lĩnh vực AI.
 
Hầu hết các quan chức EU đều nhận thấy rằng châu Âu đã bỏ lỡ cuộc cách mạng Internet đầu tiên và để các hãng công nghệ lớn từ Mỹ như Google, Facebook và Apple hoặc từ Trung Quốc như Tencent, vươn lên áp đảo thế giới trực tuyến với những sản phẩm nổi bật như truyền thông xã hội, dịch vụ mua sắm trực tuyến và điện thoại di động. Để tránh đi vào vết xe đổ đó, lộ trình phát triển AI mới được EC công bố được coi như bước đi đầu tiên trên "con đường dài" hướng tới việc xây dựng cơ sở pháp lý cho lĩnh vực này.
 
Phó Chủ tịch EC phụ trách chính sách công nghệ số Margrethe Vestager cho rằng về việc phát huy tính tích cực hay tiêu cực với AI phụ thuộc vào cách thức và mục đích công nghệ này được ứng dụng. Bà lấy ví dụ việc AI sử dụng ngôn ngữ người có thể giúp cải thiện các trải nghiệm của khách hàng nhưng cũng có nguy cơ bị lợi dụng để phát tán các tin tức giả mạo. Do đó, trước tiên, EC sẽ tìm cách xây dựng một hệ thống pháp lý thành công như bộ quy tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân trực tuyến GDPR mà khối này mới đưa vào áp dụng và nay đã trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu trong lĩnh vực này.
 
EU khẳng định lòng tin là nguyên tắc chỉ đạo cho lĩnh vực AI ở châu Âu. Những lĩnh vực ứng dụng nhiều nguy cơ như y tế, an ninh hoặc giao thông có yêu cầu khắt khe hơn về tính minh bạch và con người giám sát. Những lĩnh vực ứng dụng ít nguy cơ hơn hầu như sẽ được tự quyết định nhưng cũng sẽ phải đủ điều kiện đăng ký nhãn hiệu tự nguyện nếu áp dụng những tiêu chuẩn cao hơn.
 
EU cũng có "tham vọng" tạo ra một thị trường dữ liệu chung, trong đó các công ty và các trường đại học có thể tự do tiếp cận "núi dữ liệu" điều khiển AI. EU không muốn các công ty của khối này phải phụ thuộc vào các hệ thống dữ liệu từ các đối thủ Mỹ và châu Á. EU hy vọng việc những công ty công nghệ như Siemens của Đức hay Alstom của Pháp cùng chia sẻ dữ liệu trong thị trường này sẽ góp phần đưa EU lên vị trí thống lĩnh làn sóng đột phá công nghệ sắp tới. Bà Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ tạo ra một thị trường dữ liệu chung cho toàn khối và mong muốn kích hoạt khoản đầu tư trị giá từ 4-6 tỷ euro cho không gian dữ liệu và các cơ sở hạ tầng đám mây cho toàn khối. 
 
Bên cạnh một thị trường dữ liệu chung, EC cũng dự định tạo ra các thị trường dữ liệu nhỏ hơn cho các ngành công nghiệp trọng điểm. EU cũng xem xét buộc các công ty công nghệ lớn phải chia sẻ dữ liệu nếu không muốn bị phạt, đồng nghĩa với việc EU cũng phải sửa đổi luật chống độc quyền. Cao ủy Công nghiệp EU Thierry Breton cho rằng đây là thời điểm khởi đầu của cuộc chiến dữ liệu công nghiệp mà EU là "chiến trường" chính. Ông cũng khẳng định EU hội đủ mọi điều kiện cần thiết để trở người đi đầu trong lĩnh vực này.
 
Những khía cạnh khác mới được EC đề xuất cũng bao gồm những quy định mới về sử dụng dữ liệu xuyên biên giới, khả năng tương tác dữ liệu và các tiêu chuẩn trong sản xuất, biến đổi khí hậu, ngành chế tạo ô tô, y tế, dịch vụ tài chính, nông nghiệp và năng lượng.
 
Trước khi chính thức trở thành luật, các kế hoạch dài hơi trên được cho là sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ những chiến dịch vận động hành lang của các hãng công nghệ lớn cũng như phải được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. EC kỳ vọng sẽ công bố các dự luật đầu tiên vào cuối năm nay sau khi nhận được phản hồi từ các bên có liên quan.
.

Nguồn: Chinhphu.vn

.