Khoa học - Công Nghệ

Lần đầu tiên vệ tinh đo được rò rỉ khí ô nhiễm

08:38, 19/12/2019 (GMT+7)
Mới đây, một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Hà Lan công bố vệ tinh giám sát ô nhiễm không khí toàn cầu đã phát hiện và đo được lượng khí metan rò rỉ từ một vụ nổ giếng khai thác khí ở Ohio (Mỹ).
Vệ tinh Sentinel-5P  mang theo TROPOMI lập bản đồ khí Nitrogen dioxide - Ảnh: ESA
Vệ tinh Sentinel-5P mang theo TROPOMI lập bản đồ khí Nitrogen dioxide - Ảnh: ESA

Các vụ nổ giếng dầu khí thường thải ra một lượng lớn khí metan, đứng thứ hai sau CO2, “góp phần” vào hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tháng 10/2017, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã phóng vệ tinh Sentinel-5P mang theo công cụ giám sát tầng đối lưu (TROPOMI) lên quỹ đạo với nhiệm vụ lập bản đồ các loại khí như nitrogen dioxide, metan, carbon monoxide, carbon dioxide... trên các thành phố và khu công nghiệp mà vệ tinh này đi qua từ châu Âu, châu Á đến châu Phi và châu Mỹ.

TROPOMI đã phát hiện một tai nạn nổ giếng dầu ít được biết đến tại Ohio vào tháng 2/2018, thực tế là một trong những vụ rò rỉ khí metan lớn nhất từng được ghi nhận tại Mỹ.
 
Vụ nổ xảy ra tại một giếng khai thác khí tự nhiên, do công ty con của ExxonMobil điều hành, tại hạt Belmont (Ohio), đã giải phóng nhiều khí metan hơn toàn bộ ngành công nghiệp dầu khí của các quốc gia như Na Uy và Pháp trong một năm. Ước tính, khí metan thoát ra từ giếng phải đến 120 tấn/giờ, gấp đôi lượng khí metan rò rỉ ở giếng khí đốt Aliso Canyon tại California hồi năm 2015.
 
TROPOMI đã có thể quan sát giếng khai thác khí ở Ohio vào ngày thứ 13 sau vụ nổ và tính toán những thay đổi về áp suất cũng như tốc độ thoát khí metan của giếng. Kết quả là ExxonMobil đã phải lấp giếng tại Ohio gần 3 tuần sau vụ nổ.
 
Các nhà khoa học cho biết những phát hiện mới củng cố quan điểm việc rò rỉ khí metan trong các tai nạn dạng này thường rất khó dự đoán và có quy mô lớn hơn nhiều so với những suy nghĩ trước đây.
 
Theo nghiên cứu, để chống lại sự biến đổi khí hậu và xây dựng một nền kinh tế carbon thấp thì việc có thể theo dõi chính xác lượng khí thải nhà kính là điều kiện tiên quyết. 
 
Ông Steven Hamburg, trưởng nhóm khoa học của Quỹ Bảo vệ môi trường (EDF) và là đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết kết quả nghiên cứu "đã mở ra cơ hội để phát hiện, đo đạc, đánh giá những vụ rò rỉ khí metan và giúp con người đưa ra những biện pháp khắc phục hậu quả kịp thời".

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác