Khoa học - Công Nghệ
Cần lộ trình phát triển nhân lực AI chuyên nghiệp
Nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thị trường công nghệ cao, điểu này đặt ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thực hiện một lộ trình cụ thể để phát triển nhân lực AI chuyên nghiệp.
CMCN 4.0 là thời điểm thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực AI chất lượng cao |
Thiếu hụt trầm trọng
Tại Ngày hội AI4VN, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, lần đầu tiên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có ngành tuyển sinh với điểm chuẩn vượt điểm chuẩn của Đại học Y Hà Nội. Theo đó, hai ngành đào tạo nhân lực liên quan đến AI gồm ngành Khoa học máy tính 27,42 điểm và ngành Chương trình tiên tiến khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo 27 điểm. Mới đây, một công ty của Nhật Bản đã tuyển 12 sinh viên chương trình kỹ sư CNTT Việt-Nhật của Đại học Bách khoa Hà Nội sang làm việc với mức lương 6.000 USD/tháng (tương đương hơn 130 triệu đồng/tháng).
Theo đánh giá của Google Brain, nhu cầu nhân lực phục vụ cho lĩnh vực AI là 1 triệu người, nhưng hiện mới có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng. Tại Việt Nam, dự báo sẽ thiếu từ 70.000 đến 90.000 nhân sự công nghệ thông tin trong năm 2019 trên tổng nhu cầu 350.000 người của toàn thị trường.
Theo GS Nguyễn Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, những nghiên cứu về AI tại Việt Nam đã có từ 5-7 năm trước, để nghiên cứu và ứng dụng cần có nhân lực, song việc đào tạo không phải một sớm, một chiều trong khi nguồn nhân lực AI hiện nay còn rất mỏng.
GS Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, với các đại học chuyên ngành có mở khoa CNTT cần đi theo những hướng riêng rẽ để tìm mô hình đào tạo phù hợp. Ông cũng đề cập đến những thành công của hệ đào tạo CNTT văn bằng 2 từng mở ra ở các đại học hàng đầu từ những năm 1990 đã góp phần bổ sung thêm đội ngũ nhân lực CNTT và góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT cho các lĩnh vực có nhu cầu. Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực mang tính hạt nhân về CNTT và AI cho các lĩnh vực có nhu cầu không nên chỉ là đào tạo văn bằng 2 mà cần là bổ sung các kiến thức này vào chương trình của các đại học về kinh tế và kỹ thuật.
Cơ hội lớn để phát triển
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, 65% dân số ở độ tuổi lao động, trong đó có 143 triệu người sử dụng điện thoại, máy tính. Không chỉ có lợi thế về dân số, Việt Nam đặc biệt đang trong bối cảnh cách CMCN 4.0, chuyển đổi số là mũi nhọn phát triển cách mạng công nghiệp trong đó AI chính là hạt nhân của chuyển đổi số.
GS Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John von Neumann (Viện JVN) nhận định: "Đây là cơ hội để phát triển nhân lực AI của Việt Nam". Ông cho rằng các doanh nghiệp cần phối hợp với đơn vị đào tạo đưa giáo trình và khóa học tạo ra lộ trình phát triển nhân lực AI chuyên nghiệp.
Nhu cầu nhân lực cao nhưng có không ít thách thức đối với việc triển khai AI tại Việt Nam.
Theo ông Trần Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản trị Dữ liệu của Ngân hàng Vietinbank, đơn vị này phải mất 4 năm mới tuyển dụng được 3 vị trí cần sử dụng công nghệ AI nhưng đều chưa đáp ứng được chuyên môn công việc. Ông Thắng nêu một thực tế, những người giỏi về công nghệ AI lại ít am hiểu các chuyên môn nghiệp vụ của ngành ngân hàng. Điều này dẫn đến việc các mô hình tính toán, phân tích rất tốt được tạo ra nhưng nghịch lý là những người tiếp nhận và sử dụng lại không chấp nhận, vì quá khó hiểu.
Có một thực tế là hiện tượng chảy máu chất xám tại Việt Nam ngày càng nhiều khi đãi ngộ và đầu tư nhân lực đặc biệt là nhân lực công nghệ cao chưa được chú trọng.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc vùng của Công ty việc làm Navigos Search North, một khảo sát do công ty thực hiện trên nhóm ứng viên ngành CNTT cho thấy, 70-80% ứng viên muốn nhảy việc, hơn 50% nói sẽ ra nước ngoài làm việc nếu có lời mời. Gần 60% doanh nghiệp tuyển dụng trong lĩnh vực này cho rằng khó khăn lớn nhất của họ là vấn đề nhân lực sau đó mới đến vấn đề dữ liệu và gọi vốn đầu tư. Doanh nghiệp Việt cũng gặp phải sự cạnh tranh khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tìm kỹ sư công nghệ để mời sang nước họ làm việc do thiếu nguồn nhân lực.
Bà Ngô Thị Ngọc Lan cũng cho biết, nhu cầu của doanh nghiệp tăng cao nhưng số lượng đào tạo chưa đáp ứng được. Nhiều doanh nghiệp phải chủ động tìm đến các trường đại học để phối hợp đào tạo và tìm nguồn nhân lực. Không chỉ thiếu hụt về số lượng, nhân sự trong lĩnh vực này thường có xu thế nhảy việc nhanh. Đây là vấn đề đau đầu của doanh nghiệp tuyển dụng, cần có một lộ trình “dài hơi” để giải quyết trong thời gian tới.
Nguồn: Thu Cúc/Chinhphu.vn