Khoa học - Công Nghệ
Giám sát hoạt động trang thông tin điện tử bằng giải pháp công nghệ
08:49, 11/07/2019 (GMT+7)
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cả nước hiện có khoảng 1.575 trang Thông tin điện tử đã được cấp phép. Hoạt động của các trang tin này đã và đang được chấn chỉnh nhằm hạn chế tối đa tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp.
Tuy vậy, hiện có khoảng gần 1 triệu trang thông tin điện tử cung cấp tin tức không phép có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài cung cấp vào Việt Nam. Đây thực sự là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Việc Nhà nước tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân thành lập trang tin điện tử để cung cấp thông tin, quảng bá thương hiệu, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh là một chủ trương đúng, phù hợp với quy định của pháp luật.
Với quy định mở này, chỉ trong một thời gian ngắn, các trang tin điện tử đã “nở rộ” và hiện tượng số lượng các trang tin điện tử phát triển quá nóng trong thời gian qua đã đẩy loại hình này rơi vào hai thái cực. Thái cực thứ nhất là nhiều trang tin ra đời theo kiểu phong trào, sinh xong rồi bỏ đó, không đầu tư, không cập nhật thông tin dẫn đến nội dung nghèo nàn, gây lãng phí lớn.
Sẽ sử dụng Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia hỗ trợ việc quản lý trang thông tin điện tử. Ảnh: minh họa |
Thái cực thứ hai là để câu view, thu hút người đọc, các trang này đã chọn cách để “nổi tiếng” dễ dàng nhất, đó là giật tít, đưa tin giật gân, sai sự thật, vi phạm đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục. Mặc dù pháp luật đã quy định rõ trang tin thông tin điện tử không được phép hoạt động như một tờ báo, bản thân các trang tin thông tin điện tử trong giấy phép hoạt động cũng đều không có chức năng báo chí, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trang tin vẫn hoạt động báo chí một cách bừa bãi, trái với quy định của pháp luật.
Bằng chứng là có không ít trang tin hoạt động bằng cách lấy bài viết sao chép từ các cơ quan báo chí rồi tự ý chỉnh sửa tít, thêm bớt nội dung, đảo cấu trúc, thêm ảnh minh họa. Đây có thể gọi là vấn nạn “báo hóa” các trang tin điện tử.
Để chấn chỉnh tình trạng này, trong thời gian qua, Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử đã tích cực thanh tra, kiểm tra các trang thông tin điện tử có dấu hiệu đăng bài như cơ quan báo chí; xử phạt các trang thông tin điện tử thông tin không đúng sự thật bằng nhiều hình thức khác nhau tùy vào mức độ vi phạm như xử phạt vi phạm hành chính, tước giấy phép, đình chỉ hoạt động.
Tuy nhiên, hoạt động quản lý này chủ yếu diễn ra đối với các trang thông tin có tên miền Tiếng Việt, được đăng ký hoạt động bởi các tổ chức, cá nhân trong nước. Riêng đối với các trang thông tin điện tử có tên miền quốc tế, đặt máy chủ nước ngoài, cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, hiện công tác quản lý, xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Cục Phát Thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử thừa nhận: Hiện chưa có công cụ theo dõi, giám sát hoạt động cung cấp thông tin của các trang thông tin điện tử nói riêng và hoạt động cung cấp thông tin trên mạng nói chung. Trong khi đó, các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin.
Do vậy, khi phát hiện vi phạm, trường hợp này thường khó xử lý hành chính vì khó xác định được nhân thân chủ thể vi phạm, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới chưa có sự hợp tác tích cực với Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn, gỡ hạ các nội dung vi phạm và cung cấp thông tin liên quan về cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Internet và thông tin trên mạng còn chưa theo kịp sự phát triển của thực tế do đặc thù phát triển quá nhanh của công nghệ, của các dịch vụ, nội dung thông tin.
Trong khi đó, quy trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực này theo quy định hiện hành mất khá nhiều thời gian, dẫn đến việc quy định vừa sửa đổi, bổ sung xong đã bắt đầu lạc hậu, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Để giải quyết những vấn đề này, Bộ TT&TT cho biết, sẽ sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quản lý về thông tin điện tử như Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP nhằm xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với đặc thù phát triển của ngành, giảm thiểu các thủ tục hành chính, hỗ trợ, định hướng các doanh nghiệp trong nước phát triển các nội dung số, hệ sinh thái số phù hợp.
Đặc biệt, một biện pháp kỹ thuật quan trọng sẽ được đưa vào quản lý ngay trong năm 2019, đó là Bộ TT&TT sẽ sử dụng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia hỗ trợ công tác quản lý đối với nhiệm vụ tự động rà soát, phân tích nội dung của các trang thông tin điện tử tổng hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, phát hiện thông tin vi phạm, qua đó kịp thời cảnh báo, xử lý theo quy định.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nhấn mạnh: Quản lý báo chí và thông tin điện tử quan trọng nhất là phải sử dụng công nghệ, phải dùng công cụ để đo lường bởi thực tế cho thấy, cái gì đo được thì sẽ quản lý được.
“Sử dụng công nghệ để nhìn thấy toàn cảnh bức tranh thông tin trên không gian mạng, có khả năng phân tích, đánh giá và dự đoán xu thế của hàng trăm triệu thông tin, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ người dân, doanh nghiệp, bảo vệ nhà nước trên đó. Đây là những thách thức quản lý mà Bộ TT&TT phải vượt qua”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Nguồn: CAND