Khoa học - Công Nghệ
Những giải pháp hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C
Một nghiên cứu mới do Joeri Rogelj tại Viện Nghiên cứu hệ thống ứng dụng quốc tế (IIASA) dẫn đầu, đã đưa ra một số giải pháp để nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, lần đầu tiên xem xét mức độ ảnh hưởng của các điều kiện kinh tế-xã hội như sự bất bình đẳng, nhu cầu năng lượng và hợp tác quốc tế đến tính khả thi của mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu này và cũng tính đến các giả thuyết về công nghệ và nguồn lực.
Rogelj cho biết: “Một trong những mục tiêu của Hiệp định Paris là hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC, nhưng các nghiên cứu chủ yếu tìm cách hạn chế nhiệt độ tăng 2oC. Nghiên cứu của chúng tôi xem xét mức độ biến đổi khí hậu vào cuối thế kỷ 21 gây ảnh hưởng đến mục tiêu nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC. Các nghiên cứu trước đây đã khai thác vấn đề này, nhưng nghiên cứu của chúng tôi lần đầu tiên sử dụng một tập hợp mô hình mở rộng và đa dạng”.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng 6 mô hình máy tính đánh giá tổng hợp để lập mô hình các kịch bản hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC vào cuối thế kỷ 21 theo 5 con đường kinh tế xã hội chung (SSP). Các con đường này do IIASA và các tổ chức đối tác khác vạch ra, đề cập đến những hướng phát triển của thế giới và xã hội, bao gồm con đường thế giới chú trọng đến tính bền vững, con đường trong đó tăng trưởng kinh tế và tăng dân số vẫn tiếp diễn như trước đây và con đường thế giới theo đuổi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhưng ít chú trọng đến tính bền vững.
Các mô hình máy tính không thể xác định kịch bản hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC trong tất cả các kịch bản SSP. Tất cả các kịch bản thành công đòi hỏi phải nhanh chóng ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng thải ít cacbon, sử dụng ít năng lượng và loại bỏ phát thải CO2. Bất bình đẳng về xã hội và kinh tế, tiếp tục chú trọng sử dụng nhiên liệu và các chính sách khí hậu ngắn hạn như là những rào cản chính cho mục tiêu này.
Trong các kịch bản thành công, vào năm 2030, phát thải khí nhà kính dự báo sẽ tăng đỉnh điểm và bắt đầu liên tục giảm nhanh trong 2-3 thập kỷ tiếp theo. Trong giai đoạn 2055-2075 sẽ không có tình trạng phát thải khí nhà kính. Nhu cầu năng lượng được hạn chế nhờ tăng cường các giải pháp cải thiện hiệu quả năng lượng. Trong SSP tăng trưởng kinh tế và tăng dân số vẫn tiếp diễn như trước đây thì nhu cầu năng lượng vào năm 2050 sẽ dao động từ 10-40%, cao hơn mức của năm 2010.
Năng lượng sinh học và các công nghệ năng lượng tái tạo khác như năng lượng gió, mặt trời và thủy điện, sẽ được mở rộng quy mô đáng kể trong những thập kỷ tới theo các kịch bản thành công, góp phần sản xuất ít nhất 60% điện năng vào giữa thế kỷ 21. Sử dụng than đá truyền thống giảm xuống dưới 20% so với mức hiện nay vào năm 2040 và dầu mỏ được cắt giảm sử dụng vào năm 2060. Các công nghệ như công nghệ năng lượng sinh học với khả năng thu và lưu trữ cacbon kết hợp với trồng rừng và tái trồng rừng đều được xem là những phương thức để loại bỏ CO2 dư thừa trong khí quyển.
Con đường hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC được vạch ra trong nghiên cứu này, sẽ được cộng đồng nghiên cứu biến đổi khí hậu sử dụng để vận hành các mô hình khí hậu kết hợp phức tạp nhất. Đây sẽ là điểm khởi đầu của nghiên cứu chuyên sâu, cho phép hiểu rõ hơn tác động bổ sung khi nóng lên toàn cầu ở mức thấp. Rogelj cho rằng: “Nghiên cứu cung cấp cho các nhà ra quyết định và người dân thông tin cốt lõi về một số điều kiện cho phép thực hiện mục tiêu khí hậu nghiêm ngặt này”.
Nhóm nghiên cứu cho rằng cần thực hiện thêm nghiên cứu khác vì các kịch bản này chỉ xem xét tính khả thi về công nghệ và kinh tế. Trong thế giới thực, các yếu tố khác như khả năng được xã hội chấp nhận và hợp tác quốc tế cũng gây tác động lớn.
TH