Khoa học - Công Nghệ
Tháng 11/2017: Ghi nhận gần 600 sự cố tấn công mạng trong nước
Trong tháng 11 vừa qua đã ghi nhận 597 sự cố tấn công mạng vào các website tại Việt Nam.
Thông tin nêu trên vừa được ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 11/2017 của Bộ TT&TT diễn ra sáng ngày 4/12/2017.
Cụ thể, có tới 248 sự cố website lừa đảo (Phishing), 117 sự cố về phát tán mã độc (Malware) và 232 sự cố tấn công thay đổi giao diện (Deface).
Cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi cảnh báo cho các đơn vị bị tấn công. Đáng chú ý, về tấn công Phishing và Deface, mỗi loại hình tấn công đều có 1 website liên quan tới cơ quan nhà nước (tên miền .gov) bị nhắm tới trong khi tấn công Malware không có cơ website cơ quan nhà nước nào gặp sự cố.
Gần 600 sự cố tấn công mạng vào các website tại Việt Nam trong tháng 11. Ảnh minh họa |
Trong tháng 11, Cục An toàn thông tin cũng đã phát hành hơn 20 cảnh báo các loại bằng văn bản, thư điện tử cho các chủ quản hệ thống thông tin về các nguy cơ, lỗ hổng đáng chú ý.
Cũng trong tháng 11, triển khai Quyết định 05/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành quy định về hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Ban điều hành mạng lưới và Đội tác nghiệp ứng cứu khẩn cấp; xây dựng quy trình báo cáo - tiếp nhận sự cố an toàn thông tin, kế hoạch ứng phó sự cố an toàn mạng quốc gia.
Trước đó, một thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam cho thấy, tới đầu tháng Chín, có gần 10.000 sự cố an ninh mạng tại Việt Nam. Trong đó, có 1.762 sự cố website lừa đảo (Phishing), 4.595 sự cố về phát tán mã độc (Malware) và 3.607 sự cố tấn công thay đổi giao diện (Deface).
Theo đánh giá của các hãng phần mềm trong và ngoài nước, với Việt Nam, tỉ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại trên máy vi tính vào khoảng 63,19%, tỉ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại trên thiết bị di động khoảng 21,61%. Phương thức lây nhiễm phổ biến vẫn là lây nhiễm qua thiết bị đa phương tiện kết nối với máy tính như USB, ổ cứng di động, thẻ nhớ….
Theo VietQ