Sau khoảng sáu tuần, ốc vít làm từ xương sẽ kết hợp luôn vào trong chính xương của bệnh nhân. Và sau một năm cấy ghép, thậm chí không thể phát hiện được dấu vết của nó khi chụp X-quang.
Các ốc vít dùng trong phẫu thuật thông thường được làm từ titan hoặc thép không gỉ cùng với các tấm kim loại. Đây là cách phổ biến để cố định khi bị gãy xương, đặc biệt nếu xương bị gãy ở phần bàn chân hoặc mắt cá chân.
Nhưng thủ thuật này có thể có những tác dụng phụ nguy hiểm, ví dụ hệ miễn dịch của cơ thể cố gắng loại bỏ những vật thể lạ khiến bệnh nhân bị viêm nhiễm hoặc cảm thấy đau đớn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị dị ứng với kim loại, thậm chí dẫn đến nhiễm khuẩn ở trong xương.
Và điều tồi tệ nhất là những ốc vít này thường phải được lấy ra sau khi xương đã lành. Điều này có nghĩa là bệnh nhân sẽ phải trải qua một cuộc giải phẫu thứ hai ngay chính trên vết thương cũ.
Đây là lý do khiến Klaus Pastl - nhà phẫu thuật chỉnh hình ở Áo, muốn chế tạo ra ốc vít phẫu thuật bằng các vật liệu mới. Sau nhiều lần thí nghiệm, cuối cùng ông sáng chế ra một loại ốc vít được làm từ... xương người. “Tại sao lại không thể chứ?”, nhà nghiên cứu Klaus Pastl nói.
Loại ốc vít mới có tên Shark Screw được tạo ra từ phần giữa của xương đùi. Đây là loại xương cứng, dài và chắc chắn nhất trong cơ thể người.
Nếu bạn chọn tham gia hiến tặng cơ thể mình cho y học khi bạn qua đời phần hiến tặng này cũng có thể bao gồm cả xương. Trên thực tế, những bộ phận hiến tặng trong các ngân hàng xương đã được sử dụng trong các thủ thuật chỉnh hình, thường là cấy ghép.
Với sự cộng tác của các nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Công nghệ Graz (TU Graz), nhà nghiên cứu Pastl đã tạo ra được những con ốc vít phẫu thuật có thiết kế độc đáo, được làm từ xương do người khác hiến tặng.
Chế tạo ốc vít từ xương người. (Ảnh: surgebright) |
Mặc dù những nỗ lực đầu tiên để làm ốc vít từ xương người đã được thực hiện vào giữa những năm 90, nhưng thiết kế của Pastl được coi là những con ốc vít phẫu thuật làm từ xương đầu tiên có đầy đủ chức năng như xương người thật sự. Năm ngoái, nó đã được các nhà chức trách trong ngành y ở Áo và Thụy Sỹ chấp thuận và chính thức đưa vào sử dụng.
Không giống như kim loại, các ốc vít bằng xương này không cần phải tháo ra sau khi bệnh nhân được chữa lành. Thực tế, sau khoảng sáu tuần, ốc vít xương kết hợp luôn vào trong chính xương của bệnh nhân – điều này làm giảm đáng kể khả năng đào thải của cơ thể hay bị nhiễm khuẩn. Theo nhóm nghiên cứu, sau một năm cấy ghép, thậm chí không thể phát hiện được dấu vết của ốc vít xương khi chụp X-quang.
Hiện nay, Shark Screw được sản xuất từ những mô xương mà Pastl thu thập được. Nhưng các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để phát triển các ốc vít chuyên dụng dùng cho phẫu thuật chân và hàm. Đây là những bộ phận mà các ốc vít xương đặc biệt hữu ích.
Nhóm nghiên cứu hiện đang tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng đến xương, đặc biệt là xương ở bàn chân và hàm. Từ đó họ có thể tùy chỉnh để ghép những loại xương thích hợp cho từng loại vết thương. Nhà nghiên cứu Gerhard Sommer của TU Graz, cho biết: "Nói chung, có sự khác biệt lớn khi sử dụng ốc vít kim loại và ốc vít làm từ vật liệu sinh học trong khi chữa trị bệnh nhân”.
"Các nguyên lý cơ học về cơ bản thì giống nhau, nhưng chúng ta phải cân nhắc đến hiện tượng xương trong ốc vít sẽ co lại một phần trong quá trình khử trùng và sẽ phục hồi trạng thái ban đầu cũng như có tính đàn hồi hơn sau 2 giờ phẫu thuật. Vì lý do này, chúng tôi đang tiến hành điều tra và thử nghiệm rộng rãi những ốc vít xương ở hai trạng thái: khô và có nước”, ông cho biết thêm.
Hy vọng các thí nghiệm của nhóm nghiên cứu sẽ thành công và Scark Screw sẽ được sử dụng rộng rãi ở những nơi khác trên thế giới, vì những công dụng tuyệt vời của sản phẩm này.