Khoa học - Công Nghệ
Phát hiện mới: Trầm cảm có thể là do hệ miễn dịch hoạt động quá 'tích cực'
Nghiên cứu mới cho thấy mối liên quan mật thiết giữa trầm cảm và phản ứng viêm của cơ thể. Việc tìm ra mối liên hệ này mở ra hướng điều trị mới cho một trong những dạng bệnh tâm thần phổ biến nhất và ảnh hưởng đến hơn 350 triệu người trên toàn thế giới.
Nguyên nhân vật lý của trầm cảm
Các phương pháp điều trị trầm cảm hiện nay chủ yếu tập trung vào các hóa chất trong não như serotonin, nhưng các nhà khoa học lại cho rằng tình trạng viêm trên toàn cơ thể (xảy ra khi hệ miễn dịch hoạt động quá mức) mới là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này.
Các nhà nghiên cứu khẳng định chứng viêm lan rộng có thể tạo ra những cảm giác bất hạnh, tuyệt vọng và mệt mỏi. Đây cũng có thể là một triệu chứng mà nhiều người bị ốm đã từng trải qua: cảm giác tinh thần lao xuống dốc vì hệ miễn dịch của họ đang bận rộn chống lại sự nhiễm trùng hoặc các siêu vi khuẩn. Nếu điều này là đúng thì trầm cảm có thể được điều trị với thuốc chống viêm.
Đối với những người bị trầm cảm mạn tính, có thể là do hệ thống miễn dịch của họ đã hoạt động quá sức và không thể "dừng lại" sau khi bị ốm hoặc chấn thương, khiến các triệu chứng kéo dài dai dẳng.
Một nghiên cứu về sự phát triển của cơ thể, bao gồm các bài báo khoa học và các kết quả thử nghiệm lâm sàng, đã cho thấy mối liên hệ giữa việc điều trị chứng viêm có thể làm giảm bớt chứng trầm cảm.
Trầm cảm là căn bệnh liên quan đến thể chất (Ảnh: Internet) |
Vào cuối tháng 7 năm 2017, các nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Stanford cho biết, họ có thể tạo ra một bài kiểm tra chẩn đoán trong phòng thí nghiệm đối với hội chứng mệt mỏi mạn tính như ME (một dang bệnh lý gây mệt mỏi ở nhiều mức độ khác nhau và kéo dài, đi kèm theo nhiều triệu chứng thực thể hay thần kinh tâm lý khác) và CFS (tình trạng mệt mỏi, uể oải kéo dài ít nhất 6 tháng mà không giảm khi nghỉ ngơi và không liên quan đến các bệnh lý gây mệt mỏi khác như bệnh tim mạch, tuyến giáp).
Đi cùng với nghiên cứu là phương pháp điều trị được cho là lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Liệu pháp này đã được xác nhận và xây dựng trước khi người ta tìm ra mối liên hệ giữa ME/CFS và chứng viêm.
Vào tháng 10 năm 2016, một cuộc nghiên cứu về thuốc chống viêm thế hệ tiếp theo (thường được sử dụng để điều trị bệnh tự miễn) cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa chứng viêm và trầm cảm.
Nghiên cứu cho thấy khoảng một phần ba số người bị trầm cảm có mức cytokine - một protein đóng vai trò quan trọng trong phản ứng viêm của cơ thể, cao hơn hẳn bình thường. Chất này có chức năng kiểm soát những phản ứng của hệ thống miễn dịch.
Điều này có thể tạo ra sự viêm nhiễm trong não của họ. Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng những người có hệ thống miễn dịch hoạt động "tích cực" thường có xu hướng phát triển chứng trầm cảm.
Hệ thần kinh miễn dịch
Phát biểu tại Diễn đàn Khoa học Y Khoa thường niên tại London, Giáo sư Ed Bullmore - Trưởng khoa tâm thần của Trường Đại học Cambridge, cho rằng: "Rõ ràng là chứng viêm có thể gây ra trầm cảm. Mối liên hệ của sự thay đổi tâm trạng cho thấy sự nối kết mạnh mẽ giữa chứng viêm và các triệu chứng trầm cảm.
Giáo sư Ed Bullmore cũng dự đoán, những phát hiện này sẽ sớm mở ra một lĩnh vực mới về hệ miễn dịch thần kinh.
Thể xác và tâm thần có mối liên hệ chặt chẽ với nhau (Ảnh: Internet) |
"Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là sự viêm nhiễm gây ra trầm cảm hay ngược lại, hay đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Trong các nghiên cứu về y học thực nghiệm, nếu bạn điều trị một cá nhân khoẻ mạnh bằng thuốc chống viêm, như interferon, thì một tỷ lệ đáng kể những người này sẽ bị trầm cảm. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng phải có những bằng chứng chắc chắn trước khi áp dụng nghiên cứu này vào thực tế", Giáo sư Ed Bullmore cho biết thêm.
Nghiên cứu này mở ra hi vọng phát triển những phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho trầm cảm và các liệu pháp này không phải kéo dài suốt cuộc đời.
Một lợi ích khác của nghiên cứu là có thể thay đổi sự hiểu biết của con người về mối liên hệ giữa thể xác và tâm hồn. Về mặt xã hội, xem trầm cảm như một tình trạng bệnh lý có nguyên nhân rõ ràng có thể làm giảm sự kỳ thị đối với những người mắc bệnh về tâm thần.
Nguồn: Khampha.vn