Các nhà khoa học kỳ vọng sẽ sớm phát triển phương pháp điều trị mới nhằm lấy lại ký ức cho những bệnh nhân mắc Alzheimer sau khi thử nghiệm thành công trên chuột.
Trong một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Hippocampus, các nhà khoa học tại Trường Đại học Columbia cho biết, những ký ức của những con chuột mắc bệnh Alzheimer có thể được phục hồi bằng cách sử dụng tia laser để kích hoạt một số nơ-ron nhất định trong não.
Điều này có thể thay đổi sự hiểu biết cũng như phương pháp chữa trị của giới khoa học về căn bệnh này. Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng, Alzheimer xóa bỏ hoàn toàn ký ức của người bệnh nhưng phát hiện mới cho thấy nó đơn giản chỉ làm gián đoạn cơ chế nhớ lại.
Phương pháp chữa trị mới cho bệnh Alzheimer (Ảnh: SARANS) |
Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm trên hai nhóm chuột, một nhóm có tế bào não khỏe mạnh và một nhóm bị Alzhiemer. Bộ não của những con chuột này được thiết kế sao cho nơ-ron của chúng phát sáng màu vàng khi những ký ức mới được tạo ra, và màu đỏ khi những ký ức cũ được nhớ lại. Họ cho hai nhóm chuột này ngửi một mùi chanh giống nhau và sau đó làm sốc điện. Một tuần sau, họ cho chúng ngửi lại mùi chanh một lần nữa và tiến hành ghi nhận kết quả.
Trong khi những con chuột khỏe mạnh tỏ ra sợ hãi, một nửa số chuột mắc bệnh Alzheimer vẫn bình thường với các nơ-ron phát quang màu đỏ và màu vàng nằm tách biệt nhau thay vì chèn lên nhau như ở nhóm những con chuột khỏe mạnh. Sau đó, họ chiếu 1 tia laser vào não của những con chuột mắc Alzheimer, kích thích vùng não lưu giữ ký ức. Kết quả, chúng sợ hãi tột độ – cho thấy những ký ức do bị sốc điện trước đây đã được hồi sinh.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng được đặt ra là liệu não của chuột và bệnh Alzheimer nhân tạo mà nhóm nghiên cứu đang làm thí nghiệm có giống với biến thể của căn bệnh này ở con người hay không. Nếu là giống nhau thì nghiên cứu mới cho kết quả có ý nghĩa về mặt y học.
Con người mất nhiều nơ-ron hơn chuột trong quá trình mắc bệnh Alzheimer, và sẽ rất khó khăn để tái tạo lại những ký ức cụ thể vì bộ não của chúng ta phức tạp hơn chuột rất nhiều.
Hiện còn quá sớm để khẳng định hiệu quả của phương pháp này khi thử nghiệm trên người nhưng phát hiện trên có thể tạo nên một cuộc cách mạng trong việc nghiên cứu và điều trị bệnh Alzheimer. Theo Giáo sư Ralph Martins thuộc Trường Đại học Edith Cowan của Australia, phương pháp này sẽ mở ra hướng phát triển một loại thuốc mới giúp những bệnh nhân Alzheimer lấy lại ký ức trong tương lai gần.
Bệnh Alzheimer là một dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất hiện nay. Đặc trưng của bệnh là tình trạng không thể nhớ được những việc vừa xảy ra, làm mất khả năng về trí lực và giao tiếp xã hội, gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày. Theo thống kê, chứng bệnh này hiện ảnh hưởng đến khoảng 47 triệu người trên toàn thế giới và dự đoán sẽ tăng lên 75 triệu vào năm 2030.