Một dự án nghiên cứu của Phần Lan đã tạo ra mẻ protein đơn bào chỉ bằng cách sử dụng điện, nước, cacbon dioxit và các vi khuẩn trong một phòng thí nghiệm di động nhỏ. Mặc dù với tình trạng hiện nay, protein đơn bào này chưa được gọi là "thức ăn", nhưng lại có thể ăn được và đủ dinh dưỡng để sử dụng được trong nấu ăn hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng hệ thống này có thể được sử dụng để sản xuất thực phẩm ở những nơi cần nhất.
Ngành nông nghiệp không phải là quy trình sản xuất hiệu quả nhất do cần nhiều diện tích đất trồng, nhiều tài nguyên và cũng gây tác động lớn đến môi trường. Để giúp giảm thiểu những vấn đề trên và giải phóng đất nông trại để sử dụng cho các mục đích khác, Dự án nghiên cứu Thực phẩm từ điện đã được khởi động vào tháng 8 năm ngoái, là một dự án chung giữa Đại học Công nghệ Lappeenranta (LUT) và Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật VTT của Phần Lan.
Nhóm nghiên cứu đang phát triển một phương pháp mới để tạo ra thực phẩm bằng điện, có sử dụng thêm một số nguyên liệu khác. Trung tâm của hệ thống là một bộ điện kháng sinh học, chứa nước, các vi khuẩn và các chất dinh dưỡng như nitơ, lưu huỳnh và phốt pho. Cacbon dioxit và điện được bơm truyền vào hỗn hợp để kích hoạt phản ứng.
Dòng điện kích hoạt phản ứng điện phân của nước, tạo ra hydro. Các vi khuẩn được nuôi dưỡng bởi các chất dinh dưỡng,sẽ bổ sung oxy vào hydro và sản phẩm cuối cùng của phản ứng hóa học sau đó được tách ra và sấy khô thành một hỗn hợp bột, có thể ăn được và có dinh dưỡng.
Juha-Pekka Pitkänen, nhà nghiên cứu chính của VTT cho biết: "Về lâu dài, protein được tạo ra bằng điện sẽ được sử dụng trong nấu ăn và sản xuất thực phẩm như hiện nay. Hỗn hợp này rất bổ dưỡng với hơn 50% protein và 25% cacbohydrat, phần còn lại là chất béo và axit nucleic. Độ sệt của sản phẩm cuối cùng có thể được đa dạng bằng cách thay đổi các vi sinh vật sử dụng trong sản xuất".
Hiện nay với thiết bị sản xuất có kích thước bằng một cốc cà phê, sẽ phải mất khoảng hai tuần để sản xuất được một gram protein. Các nhà nghiên cứu cho biết khimở rộng hệ thống, quy trình hoạt động sẽ có hiệu quả năng lượng và mang lại rất nhiều lợi ích môi trường khác.
Jero Ahola, Giáo sư của LUT, cho biết: "So với nông nghiệp truyền thống, phương pháp sản xuất mới không đòi hỏi phải có diện tích đất trồng lớn đáp ứng yêu cầu nông nghiệp như nhiệt độ, độ ẩm hoặc một loại đất nhất định. Điều này cho phép chúng ta sử dụng một quy trình tự động hóa hoàn toàn để sản xuất thức ăn chăn nuôi cần thiết chỉ bằngmột container vận chuyển được dựng ngay trên trang trại. Phương pháp này không đòi hỏi chất kiểm soát dịch hại,mà chỉ sử dụng một lượng nhất định chất dinh dưỡng giống phân bón trong quy trình khép kín.Như vậy, chúng ta có thể tránh gây tác động xấu đến môi trường, chẳng hạn như các dòng chảy tràn trong hệ thống nước hay phát thải khí nhà kính mạnh".
Nghiên cứu sẽ tiếp tục kéo dài thêm ba năm nữa và trong thời gian đó, nhóm nghiên cứu sẽ lên kế hoạch tinh chỉnh lò phản ứng, nâng cao hiệu quả và phát triển hệ thống thương mại hóa.