Khoa học - Công Nghệ

Thực hiện chế độ ăn đều đặn giúp điều chỉnh nhịp điệu của đồng hồ sinh học

09:34, 08/06/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Cơ thể con người hoạt động tuân theo chu kỳ sinh học kéo dài khoảng 24 giờ đồng hồ và chủ yếu chịu sự điều khiển bởi hệ thống đồng hồ sinh học bao gồm đồng hồ "máy chủ" trong não bộ và đồng hồ ngoại vi ở các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể được đồng bộ hóa theo sự thay đổi của các tín hiệu bên ngoài, trong đó có cả yếu tố ánh sáng trong môi trường. Mới đây, trong một bài báo được đăng tải trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học đến từ Vương quốc Anh đã phát hiện ra rằng: cơ chế vận hành của ít nhất một trong số những đồng hồ sinh học này có thể được thiết lập lại dựa vào thời gian con người thực hiện chế độ ăn. Chế độ ăn uống đều đặn giúp cơ thể con người duy trì cùng lúc hoạt động của các loại đồng hồ sinh học.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Jonathan Johnston đến từ trường Đại học Surrey, Vương quốc Anh cho biết: "Việc thay đổi chế độ ăn bằng cách ăn muộn hơn 5 giờ đồng hồ so với chế độ ăn hàng ngày có thể gây ra sự chậm trễ của nhịp độ vận chuyển đường trong máu đến 5 giờ đồng hồ. Chúng tôi tin rằng hiện tượng này xảy ra bắt nguồn từ sự thay đổi cơ chế vận hành của đồng hồ sinh học trong các mô trao đổi chất chứ không phải đồng hồ “máy chủ” trong não bộ".

Nhóm nghiên cứu nhận thức được mối liên quan chặt chẽ giữa cơ chế hoạt động của hệ thống đồng hồ sinh học và khả năng kiểm soát quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người. Nghiên cứu của họ đã chỉ ra rằng nhịp điệu sinh học đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ thức ăn của cơ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng giải thích rằng họ chỉ mới bắt đầu tiến hành nghiên cứu những dấu hiệu liên quan đến hoạt động của hệ thống đồng hồ sinh học, bao gồm cả loại chịu sự điều khiển của não bộ và của các bộ phận khác trong cơ thể con người trong thời gian gần đây.

Trong nghiên cứu mới, Johnston cùng với Sophie Wehrens và các cộng sự đã thực hiện một cuộc thử nghiệm kéo dài 13 ngày trong phạm vi phòng thí nghiệm với nhóm đối tượng tham gia được lựa chọn là 10 người đàn ông ở độ tuổi thanh niên, khỏe mạnh. Nhóm người tham gia được yêu cầu thực hiện chế độ ăn ba bữa với khoảng thời gian nghỉ giữa các bữa ăn kéo dài khoảng 5 giờ đồng hồ. Lượng calorie và các chất dinh dưỡng đa lượng của tất cả các bữa ăn là như nhau.

Đầu tiên, nhóm thanh niên sẽ ăn bữa sáng vào thời điểm 30 phút sau khi ngủ dậy. Sau khi hình thành thói quen ăn sớm vào buổi sáng, họ lại được các chuyên gia yêu cầu phải thay đổi thời gian ăn và chuyển sang ăn muộn hơn so với bình thường 5 giờ trong vòng 6 ngày. Sau mỗi bữa ăn, nhóm thanh niên phải thực hiện một chuỗi những công việc thường nhật theo thời gian biểu trong 37 giờ đồng hồ trong điều kiện: ánh sáng lờ mờ, đồ ăn nhẹ được phục vụ mỗi giờ, hoạt động thể dục bị hạn chế và đặc biệt là không được ngủ. Vào thời điểm này, các chuyên gia y tế tiến hành kiểm tra, đo nhịp điệu sinh học bên trong cơ thể nhóm người trên.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng sự thay đổi trong ăn uống không phải là yếu tố ảnh hưởng đến hiện tượng thèm ăn hay buồn ngủ cũng như không làm thay đổi những dấu hiệu hoạt động của đồng hồ “máy chủ” trong não bộ, bao gồm nhịp điệu tăng giảm của hai hormone melatonin và cortisol hay biểu hiện gen kiểm soát đồng hồ sinh học trong máu. Tuy nhiên, sự thay đổi về thời gian của bữa ăn lại chính là nguyên nhân dẫn đến những biến động đáng kể trong hàm lượng đường huyết. Cụ thể, kết quả thử nghiệm đã chứng min: sau khi thực hiện chế độ ăn muộn hơn 5 giờ so với bình thường thì nhịp độ vận chuyển đường trong máu cũng bị chậm hơn trung bình là 5 giờ hoặc lâu hơn.

Johnston cho biết: "Chúng tôi dự đoán hiện tượng chậm trễ trong nhịp độ vận chuyển đường trong máu sau những bữa ăn muộn chắc chắn sẽ xảy ra, tuy nhiên, chúng tôi không ngờ là mức độ thay đổi này lại đáng kể như thế. Ngoài ra, những nhịp điệu sinh học khác của quá trình trao đổi chất, trong đó có nhịp điệu lưu thông của hormone insulin và triglyceride trong máu cũng không thay đổi".

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng: biểu hiện nhịp điệu của một gen có tên gọi PER2 quy định hoạt động mã hóa bộ phận chính của đồng hồ sinh học trong mô mỡ vận hành chậm hơn khoảng 1 giờ. Nghiên cứu cho thấy nhịp điệu của đồng hồ sinh học trong cơ thể người hoàn toàn có thể được điều chỉnh đồng bộ với sự thay đổi thời gian thực hiện bữa ăn và những thay đổi đó chính là cơ sở gây ra sự biến động của hàm lượng đường trong máu.

Hiện nay, rất nhiều người đang phải đối mặt với tình trạng rối loạn nhịp sinh học trong cơ thể, nhóm người này gồm có: công nhân làm việc theo ca hay những tiếp viên hàng không phải hoạt động liên tục trên các chuyến bay đường dài, do đó, các nhà khoa học đã đưa ra lời khuyên rằng họ có thể xem xét việc thực hiện đều đặn một chế độ ăn theo thời gian biểu định trước, điều này được xem như một phần trong chiến lược tổng thể nhằm mục đích giúp tái đồng bộ hoạt động của đồng hồ sinh học trong cơ thể con người. Cho đến nay, ảnh hưởng của sự thay đổi trong giờ giấc ăn uống đối với nhịp điệu trao đổi chất trong cơ thể con người đã được nhận thức rõ ràng hơn, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết trong tương lai họ sẽ thực hiện những nghiên cứu sâu rộng hơn nữa để tìm hiểu thêm về những hậu quả do những thay đổi này mang lại đối với sức khỏe của con người. 

Theo Vista

Các tin khác