Startup Lilium Jet của Đức đã qua mặt Google và Uber khi thử nghiệm thành công xe điện có thể cất cánh và hạ cánh.
Chiếc xe bay được điều khiển từ xa trong các cuộc thử nghiệm. Ảnh: dailydot.com |
Khái niệm từng được coi là không tưởng về những chiếc xe bay dường như đã tiến một bước gần hơn đến hiện thực, sau cuộc thử nghiệm thành công của Lilium Jet ở Đức.
Lilium Jet có trụ sở tại Munich, được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư trong đó có nhà sáng lập Skype, Niklas Zennström, cho biết chiếc “phản lực” năm chỗ, cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng, có thể sử dụng trong các dịch vụ taxi bay và dịch vụ đi chung ở đô thị.
Chiếc xe bay được trang bị 36 động cơ phản lực gắn trên cánh dài 10 mét, bên dưới 12 nắp di động. Khi cất cánh, các nắp hướng xuống dưới để cung cấp lực nâng thẳng đứng. Còn khi đã ở trên không trung, các cánh tạt nghiêng dần cho đến khi ở vào vị trí nằm ngang, cung cấp lực đẩy về phía trước.
Trong các cuộc thử nghiệm, chiếc xe bay được điều khiển từ xa, nhưng các nhà điều hành Lilium Jet cho biết chuyến bay có người lái đầu tiên của họ sẽ sớm ra mắt. Công ty tuyên bố rằng pin điện của xe “tiêu thụ năng lượng ít hơn khoảng 90% so với máy bay không người lái (drone)”, cho phép nó bay được quãng đường 300 km với tốc độ hành trình tối đa 300km/h.
Hàng không dùng năng lượng điện vẫn còn rất non trẻ. Xe điện với hệ thống pin nặng hàng trăm kg thường chạy được tối đa khoảng 480km sau mỗi lần sạc. Chiếc máy bay điện tinh vi nhất hiện nay bay liên tục được trong một giờ với tốc độ khoảng 160km/h - không tính thời gian cất cánh và hạ cánh. Tuy nhiên, Patrick Nathen, đồng sáng lập Lilium Jet và người đứng đầu bộ phận tính toán và thiết kế, cho biết công nghệ pin của họ sẽ cải thiện khâu này.
Các đối thủ cạnh tranh tiềm năng đối với Lilium Jet bao gồm những công ty lớn hơn rất nhiều như Airbus, nơi cũng đang có kế hoạch thử nghiệm một mẫu xe bay tự hành một chỗ ngồi vào cuối năm nay.
Công ty AeroMobil của Slovakia cho biết tại một cuộc triển lãm xe hơi ở Monaco hôm 20/4 rằng họ sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho mẫu xe lai, vừa bay trên không vừa chạy trên đường bộ, dự kiến bắt đầu được sản xuất từ năm 2020.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô bay vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, trong đó bao gồm việc thuyết phục các nhà quản lí và công chúng rằng sản phẩm của họ an toàn. Chính phủ các nước vẫn đang phải “vật lộn” với các quy định đối với máy bay không người lái drone và xe không người lái.
Xe bay của Lilium Jet, tiêu thụ điện năng tương đương với một chiếc ô tô điện, có thể cung cấp các chuyến bay chở khách với mức giá tương đương taxi thông thường nhưng tốc độ nhanh gấp năm lần, startup này cho biết.
Những đối thủ tiềm năng khác của Lilium Jet bao gồm e-volo, một công ty được hình thành bằng cách gây quỹ cộng đồng, có trụ sở gần Mannheim. Công ty này nói rằng họ hi vọng chiếc "multicopter" hai chỗ ngồi với 18 rotor của họ sẽ được phép sử dụng như taxi bay trong các dự án thí điểm vào năm 2018.
Terrafugia, công ty có trụ sở ở ngoại thành Boston, Mỹ, được thành lập từ 11 năm trước bởi một số sinh viên MIT, cũng nhắm tới việc phát triển một chiếc xe bay cho thị trường đại chúng, trong khi công ty Joby Aviation của Mỹ và Israel cho hay họ đang nghiên cứu một chiếc máy bay không người lái bốn chỗ ngồi.
Google, Tesla và Uber cũng cho thấy mối quan tâm của họ đối với công nghệ mới này.