Khoa học - Công Nghệ
Công nghiệp 4.0: Thế giới sẽ biến đổi đến mức khó tin
Thế giới quanh ta không chỉ trở thành thế giới sống mà còn là thế giới có nhân tính. Khi đó các ô tô sẽ tự tránh nhau, hàng hóa sẽ tự đến nhà. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất mà cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 đem lại so với trước đây.
Đây là nhận định của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT tại Diễn đàn CEO 2017 với chủ đề “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 - Được và mất” diễn ra chiều 7/4 tại Hà Nội.
Theo ông Bình, cuộc CMCN đầu tiên là máy móc có sức khỏe hơn cơ bắp con người và ngựa, voi. Tiếp theo đến cuộc CMCN lần 2 với ánh sáng từ điện, có động cơ và tốc độ phát triển đã tăng lên một bậc mới. Đến cuộc CMCN lần 3, loài người có máy tính thực hiện tính toán nhanh hơn với nhiều ứng dụng công nghệ.
“Còn ở lần thứ 4 này, biểu tượng sẽ là robot có thể có trí tuệ toàn cầu, lấy kiến thức của tất cả các robot để ứng xử với con người, vượt xa năng lực con người. Con robot này sẽ chế ra các con robot khác”, ông Trương Gia Bình nói.
Nói về lợi thế của Việt Nam, ông Bình cho rằng, lúc này khi cuộc cách mạng mới bắt đầu, không phải chính phủ nước nào cũng quan tâm nhiều như ở Việt Nam. Mặt khác, từ khi ngành công nghệ thông tin đặt mục tiêu vươn ra thế giới thì tiềm lực ngành cũng vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam.
Hơn nữa, ông Trương Gia Bình cũng nhìn nhận, cuộc cách mạng này không chỉ là cuộc cách mạng của các “đại gia” mà là cuộc cách mạng của mọi người. Trong đó có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.
Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, CMCN 4.0 tác động đến DN trên các khía cạnh chủ yếu về kỳ vọng của khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới hợp tác và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, ngược lại những sự kỳ vọng trên, có lo ngại rằng khi máy móc trở nên quá thông minh thì số lượng người thất nghiệp sẽ tăng lên. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho rằng, khi CMCN lần thứ 4 diễn ra, không chỉ ngành dệt may mà tất cả các ngành nghề khác đều phải phân bổ lại toàn bộ lao động.
“Nguy cơ 86% lao động ngành dệt may có thể thất nghiệp trong vòng hai thập kỷ tới là có thể xảy ra. Tuy nhiên, con người sẽ làm những gì máy móc không làm được và sẽ tiếp cận máy móc, công nghệ để công nghệ phục vụ con người”, bà Huyền nói.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo “phải tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của CMCN 4.0. Các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ TT&TT, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức về CMCN 4.0, để toàn xã hội, từng người dân, mọi DN, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của CMCN 4.0”.
Trong khuôn khổ Diễn đàn CEO 2017, Ban Tổ chức đã khảo sát, bình chọn và tôn vinh các DN Rồng Vàng và Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2016. Đây là những DN đã đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nỗ lực vì sự phát triển của cộng đồng và tiên phong tiếp cận với xu thế phát triển của cuộc CMCN 4.0. Một số DN đạt danh hiệu Rồng Vàng gồm Samsung, KPMG, Deloitte Vietnam, Unilever, Honda, DHL, Chinfon, Lotte và Kirby… Còn các DN được tôn vinh là Thương hiệu mạnh Việt Nam 2016 như Vietinbank, VinGroup, Thaco, Vinamilk, Vietjet Air, Vietcombank, Viettel, Mobifone… |
Nguồn: Chinhphu.vn