Các nhà nghiên cứu Đức đang thử nghiệm việc tận dụng nước thải cho phương pháp thủy canh để tiết kiệm tối ưu nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp.
Bộ Giáo dục và Nghiên cứu của Cộng hòa Liên bang Đức (BMBF) hiện đang hỗ trợ cho dự án HypoWave nhằm sử dụng nước thải đã qua xử lý trong canh tác thủy canh.
Ảnh minh họa |
Thông thường, khi trồng cây bằng phương pháp thủy canh, cây không mọc lên từ đất mà hấp thụ chất dinh dưỡng có trong nước. Rất nhiều công ty sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng kỹ thuật thủy canh vào sản xuất bằng cách hòa chất dinh dưỡng vào nước sạch để nuôi cây trồng. Từ đó, các nhà nghiên cứu Đức đã nghĩ ra cách thực hiện thủy canh cho cây trồng bằng nước thải vì trong nước thải chứa nhiều chất dinh dưỡng hữu ích với cây trồng, qua đó tiết kiệm được một lượng đáng kể nước sinh hoạt.
GS. Thomas Dockhorn, Viện Kỹ thuật môi trường, Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Braunschweig, người đứng đầu Dự án, cho biết quan trọng nhất là quá trình xử lý nước thải để tạo ra dưỡng chất tối ưu cho cây, điều đó có nghĩa là phải khử kim loại nặng, các mầm bệnh và các chất độc hại khác trong nước thải trước khi đưa vào sử dụng.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm hệ thống khử chất độc ngay gần vị trí xử lý nước thải ở Thị trấn Hattorf, bang Niedersachsen, Đức. Ngoài ra, các nhà khoa học còn áp dụng một kỹ thuật để giữ nước cho cây, đó là dùng một màng mỏng để thu gom lượng nước bị bốc hơi và dẫn về bể thu gom nước để tái sử dụng. Kỹ thuật này rất có ý nghĩa đối với những vùng thường xuyên bị khô hạn.
Tuy nhiên, một vấn đề tiếp theo mà các nhà khoa học phải tiếp tục nghiên cứu, đó là liệu các cơ sở sản xuất nông sản bằng phương pháp thủy canh nước thải như thế này có thể sản xuất thực phẩm cao cấp và đạt hiệu quả kinh tế hay không. Do đó, bước tiếp theo mà các nhà nghiên cứu phải làm sẽ là xúc tiến xác định tiềm năng và khả năng tiếp cận thị trường của phương pháp canh tác này thông qua các điều tra thăm dò ở các vùng khác nhau.