Những người mù lòa có thể đọc được từ 63 đến 81 từ mỗi phút nhờ hệ thống camera gắn trên ngón tay nhận dạng được văn bản và đọc chúng thành tiếng.
Các nhà phát triển đến từ Đại học Maryland đã kết hợp phần mềm thông minh đọc văn bản và một camera nhỏ xíu để sáng tạo ra HanSight. Đây là hệ thống máy quay gắn trên đầu ngón tay cho phép người mù lòa đọc văn bản mà không cần văn bản phải được viết bằng chữ nổi Braille như bình thường.
Công nghệ này và các thử nghiệm được giới thiệu chi tiết trên ACM Transactions, Accessible Computing.
Công nghệ mới giúp người mù có thể đọc văn bản ngay cả khi không có sách viết bằng chữ nổi - Ảnh: YouTube |
Theo đó, nhìn ngoài, công nghệ này khá gọn, camera có thể được giữ chắc trên ngón tay như một chiếc nhẫn trong khi phần còn lại của thiết bị bao quanh cổ tay. Người dùng di chuyển ngón tay theo văn bản, máy quay sẽ ghi lại và đọc to từ đó. Tín hiệu âm thanh và rung động nhẹ nhàng hướng dẫn người dùng biết khi nào xuống dòng hoặc nhắc họ cần điều chỉnh vị trí ngón tay.
Trong thử nghiệm được công bố, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử thiết bị trên 19 người mù. Nhìn chung, họ đã có thể đọc từ 63 đến 81 từ/phút nhờ hệ thống camera có khả năng nhận diện ngôn ngữ văn bản và đọc to chúng thành tiếng nói trên. Con số này thấp hơn so với 90 - 115 từ/phút như một người chuyên đọc chữ nổi và thấp hơn so với 200 từ/phút của người có mắt bình thường.
Mặc dù vận tốc đọc của thiết bị này còn chậm hơn so với đọc chữ nổi truyền thống, đây được cho là công nghệ hữu ích cho người mù lòa - Ảnh: YouTube |
Tuy vậy, đây vẫn là thiết bị tiềm năng, công cụ hữu ích cho người mù. Các nhà sáng tạo HandSight vẫn đang tiếp tục xây dựng nhiều chức năng hơn, cho nó thêm khả năng phân biệt cả vật mẫu và màu sắc.
Theo ước tính hiện nay có khoảng 285 triệu người bị khiếm thị trên thế giới. HandSight thực ra chỉ là một trong số nhiều sáng kiến công nghệ mới được thiết kế để hỗ trợ họ.
Bên cạnh camera nhỏ hữu ích này, nhiều thiết bị khác còn tích hợp trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo giúp người mù nhận thức thế giới xung quanh. Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục phát triển các công nghệ mới và hàng triệu người khiếm thị sẽ ngày càng có cuộc sống dễ dàng hơn.