Khoa học - Công Nghệ
Công nghệ biến khí CO2 thành thể rắn
Các nhà khoa học vừa công bố thử nghiệm thành công một kỹ thuật mới, biến khí CO2 thành đá. Lần đầu tiên, các nhà khoa học và kỹ sư làm việc tại Hellisheidi - một nhà máy điện ở Iceland đã chứng minh rằng, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) có thể được bơm vào lòng đất và được biến đổi hóa học thành chất rắn sau một thời gian dài.
Khí cacrbonic được biến thành đá để xử lý dễ dàng hơn. |
Phát hiện này có thể giúp giải quyết nỗi lo sợ cho đến nay vẫn cản trở ý tưởng thu hồi khí CO2 và lưu trữ dưới lòng đất, đó là nó có thể thoát trở lại vào khí quyển, hoặc thậm chí gây cháy nổ. Bài viết nghiên cứu mô tả phương pháp này vừa được đăng trên tạp chí Khoa học của Mỹ.
Hellisheidi là máy điện địa nhiệt lớn nhất thế giới. Nó cung cấp điện cho thủ đô Reykjavik của Iceland và cho ngành công nghiệp cả nước bằng cách sử dụng nước được làm nóng từ núi lửa để chạy tuabin. Nhưng quá trình này đồng thời mang theo các loại khí núi lửa, bao gồm carbon dioxide và khí sulfua hydro có mùi khó chịu.
Theo một dự án thí điểm được gọi là Carbfix, được khởi động vào năm 2012, các chuyên gia của Hellisheidi đã pha trộn các chất khí này với nước bơm lên từ núi lửa, sau đó bơm dung dịch này vào lớp bazan núi lửa bên dưới.
Trong tự nhiên, khi bazan được tiếp xúc với CO2 và nước, một loạt các phản ứng hóa học tự nhiên diễn ra khiến carbon kết tủa ra thành một khoáng chất có màu phấn trắng. Nhưng không ai biết quá trình này diễn ra mất bao lâu. Các nghiên cứu trước đây đã ước tính rằng nó có thể mất hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn năm.
Tuy nhiên, trong lớp bazan dưới nhà máy điện Hellisheidi, 95% CO2 bơm vào đất đã hóa thành chất rắn chỉ trong chưa đầy hai năm.
Một khu của nhà máy địa nhiệt Hellisheidi. Ảnh: Columbia.edu |
"Điều này có nghĩa rằng chúng ta có thể bơm xuống đất một lượng lớn khí CO2 và lưu trữ nó một cách rất an toàn" – nhà nghiên cứu Martin Stute, thuộc trường Đại học Columbia cho biết.
Nghiên cứu này đã được giới chuyên môn đánh giá cao về ý nghĩa thiết thực của nó trong bảo vệ môi trường khí quyển Trái Đất.
TH