Khoa học - Công Nghệ
Cảnh giác: Ôm hận với iPhone dựng
Đừng ham rẻ
"Tôi mua qua mạng một iPhone 5S được rao là hàng xách tay 99% với giá gần 4 triệu đồng, rẻ hơn gần một nửa so hàng chính hãng. Dùng được hơn 1 tháng thì nó "trở chứng", máy rất mau nóng, ban đầu phím Home và cáp kết nối với máy tính bị trục trặc, sau đó thì không khởi động được. Bên bán nêu lý do lỗi người dùng nên từ chối bảo hành, tôi phải mang máy ra đại lý chính hãng của Apple để sửa và chịu mất phí" - anh T.V.Q (ngụ quận 6, TP HCM) phản ánh.
iPhone nhái, "dựng" được rao bán tràn lan trên mạng và một số cửa hàng điện thoại |
Theo ông Nguyễn Bình, chủ một cửa hàng kinh doanh iPhone trên đường Hùng Vương (quận 5, TP HCM), do hàng chính hãng giá quá cao nên nhiều người tìm mua các mẫu đời cũ hoặc hàng đã qua sử dụng. Trong khi đó, hiện trên thị trường có rất nhiều mẫu iPhone đời 4, 4S, 5, 5S, thậm chí iPhone 6, 6S "dựng" được bán trên mạng và tại các cửa hàng chuyên bán hàng cũ nên người dùng đừng ham rẻ mà cần kiểm tra kỹ khi mua.
Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh FPT Shop, cho biết iPhone "dựng" được lắp ghép từ các linh kiện của nhiều iPhone cũ (bo mạch, màn hình, khung xương, nắp lưng…) và thường là những máy đã qua sử dụng, bị lỗi. Các cửa hàng, người bán tự in lại số IMEI/Serial cho khớp với IMEI/Serial của thân máy rồi dán lên vỏ hộp, bọc lại seal để sản phẩm trông như mới xuất xưởng.
"Trên thị trường cũng xuất hiện iPhone "trôi bảo hành" là hàng chính hãng nhưng còn hạn bảo hành vài tháng và loại iPhone "trôi bảo hành" được một số cửa hàng tự bảo hành là sản phẩm gom từ hàng cũ, các nguồn hàng về Việt Nam theo đường không chính thức, các khu chợ bán đồ điện tử bên Trung Quốc" - ông Bảo nói. Theo ông Bảo, Apple hiện nay không đưa ra thị trường sản phẩm "trôi bảo hành" mà chỉ bán sản phẩm mới hoặc sản phẩm tân trang lại nhưng được hãng cam kết bảo hành một năm như sản phẩm mới.
Đại diện nhà bán lẻ iPhone chính hãng 24hStore tại TP HCM cho biết iPhone "dựng" thì có thể bo mạch chủ (mainboard) là của Apple nhưng IC hay chip bị thay thế từ các máy khác và vỏ, màn hình, pin, camera… cũng đã bị thay nên chất lượng, độ bền sẽ không cao.
Đối mặt rủi ro
Ông Mai Triều Nguyên - chuyên gia công nghệ, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Di động Mai Nguyên (TP HCM) - cho biết người mua iPhone không được mở máy để kiểm tra bên trong nên rất khó biết thật - giả, ngay cả chuyên gia cũng khó phân biệt nếu chỉ nhìn bên ngoài. Nếu mua phải hàng "dựng", người dùng gặp rủi ro cao, có nguy cơ mất trắng. "Nhiều người mua hàng "dựng" trên mạng, không có địa chỉ, nguồn gốc, người bán rõ ràng nên khi máy gặp sự cố thì khó đòi bồi thường" - ông Nguyên nêu thực trạng.
Theo ông Ngô Quốc Bảo, có thể phân biệt iPhone "dựng" qua hộp máy và phụ kiện đi kèm. Với hàng kém chất lượng, các đường nét của phụ kiện và vỏ hộp thường không chuẩn, mờ, phần số IMEI/Serial có font chữ cứng, lệch màu so với vỏ hộp. Phụ kiện cũng vậy, các đường nét in trên thân phụ kiện không được mịn, cảm giác cầm sẽ nhẹ hơn so với phụ kiện chuẩn.
Đại diện siêu thị Điện máy Xanh TP HCM cho biết: "Lớp vỏ iPhone chính hãng được thiết kế nhám nhưng khá mịn và màu sắc sáng hơn. Vỏ thay thế có màu bệt và nhám hơn. Người dùng kiểm tra bằng cách vuốt nhẹ lên dòng chữ thông tin được in sau bề mặt lớp vỏ, nếu là hàng "xịn" sẽ có cảm giác liền mạch, còn hàng "lô" thì có độ sần. Với hàng thật, những gạch sóng chạy quanh viền máy có thiết kế liền mạch và không cho cảm giác gợn tay khi vuốt, còn vỏ lô vẫn lợn cợn các khớp nối".
Đại diện cửa hàng Bảo Tín Mobile tại TP HCM tư vấn: "Máy "dựng" thì nhìn lỗ hàng loa và mic không tiện vát miệng, nhìn nghiêng không có độ sáng bóng, miệng lỗ thẳng và cạnh sắc. Khi nhìn chuôi sạc, chuôi lỗ cắm tai nghe hàng thật, nguyên bản sẽ đều và không bị nhô lên hay tụt thấp so với sườn máy. iPhone vỏ "lô" sau thời gian sử dụng, máy sẽ bị lợt màu cũng như xỉn màu".
Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo trước khi mua, khách hàng nên chọn lựa các địa chỉ uy tín hoặc tìm mua tại các đại lý, nhà phân phối ủy quyền và chính thức được Apple công bố trên website của hãng.
TH