Khoa học - Công Nghệ
Samsung ra điện thoại khiến hầu hết mọi người hài lòng
Tạo ra một sản phẩm mới đủ tốt đã khó, nhưng tạo ra một sản phẩm xuất sắc hơn, hoàn thiện hơn sản phẩm cũ lại càng khó hơn, nhất là khi chiếc máy cũ được đánh giá rất cao về cả thiết kế, tính năng cũng như trải nghiệm người dùng. Đánh giá Samsung Galaxy S7 edge thực chất giống so sánh nó với Galaxy S6 edge hơn là một bài đánh giá độc lập, vì Samsung đã sửa chữa gần như tất cả những gì chưa hoàn thiện trên Galaxy S6 edge, đồng thời bổ sung thêm nhiều tính năng mới.
Y hệt Galaxy S6e, chỉ phóng to lên là những điểm mà bạn nghe người ta nói rât nhiều về Galaxy S7e. nhưng đó có thể là những nhận định sai nhất mà bạn có về S7 edge. Samsung Galaxy S7 edge cao thon hơn, hẹp về bề ngang hơn hẳn so với Galaxy s6e hay S6e Plus, những đặc điểm tối quan trọng để cầm và sử dụng một chiếc điện thoại. Với việc smartphone ngày càng lớn hơn thì chiếc máy thon gọn sẽ giúp tay chúng ta thoải mái và dễ chịu hơn, đặc biệt là khi thao tác một tay.
So với hầu hết các điện thoại 5.5” khác trên thị trường, Galaxy S7e nhỏ và gọn gàng đáng kể. Không chỉ kích thước vật lý mà cảm nhận đó còn đến từ cách thiết kế với mặt kính cong ở cả mặt trước và sau. Trên Galaxy S6 và Note 5 thì người dùng vẫn khó chịu với các cạnh tiếp xúc, đặc biệt là ở mặt sau nhưng trên S7 edge mọi thứ đã trở nên mượt và phẳng hơn rất nhiều. Nếu để ý, bạn sẽ thấy mặt kính cong của S7e vuốt nhẹ ở cả đỉnh và đáy máy, cả phía trước và phía sau, nên nó luôn cho cảm giác trơn tru, mịn màng.
Camera ít lồi hơn, chỉ còn nhỉnh nhẹ so với bề mặt nắp lưng cũng là một cải tiến đáng quan tâm khác của S7e, nhất là khi Samsung đã đầu tư thay đổi rất nhiều về mặt tính năng cho nó.
Mình quên nói với các bạn Galaxy S7e cho cảm giác cứng cáp hơn Galaxy S6e, phải không? S6edge vẫn có một cái gì đó thời trang, phong cách hơn, mềm mại tuổi teen, S6 edge lại là một cô sinh viên đại học, trưởng thành hơn nhưng hơi phát phì do ăn chơi nhiều còn Galaxy S7e đang là lứa tuổi đẹp nhất của người con gái, tuổi 26, 27, khi người ta đã đi làm một vài năm để biết trang điểm tự nhiên hơn, biết nhiều kiến thức hơn để không cảm thấy lạc lõng, và nhất là, làm gì cũng thấy đẹp.
Nhưng không phải Galaxy S7e không có điểm yếu. Một là nó bám quá nhiều vân tay (không vấn đề mấy), hai là nó ngày càng dễ rơi hơn do quá trơn tru và ba là Samsung vẫn chưa chịu thiết kế để các cổng kết nối, các lỗ microphone hay microUSB thẳng hàng với nhau, nhìn rất lộn xộn và khó chịu. Nếu không biết đến nó, có thể bạn sẽ không để ý nhưng đã biết rồi thì sẽ nhìn hoài mà thôi.
Nhân nói về cổng microUSB, Samsung là một nhà sản xuất lớn và họ đã đưa ra rất nhiều thay đổi trong những năm vừa qua. Thế nhưng vì một lý do nào đó, Samsung trở nên hiền hơn, không dám sử dụng cổng USB C trên S7. Đây rõ ràng là một điểm trừ, USB C tuy chưa phổ biến nhưng chắc chắn nó sẽ là tiêu chuẩn của tương lai, trong khi Galaxy S7 lại là một máy cao cấp vốn cần áp dụng những công nghệ mới nhất trên thị trường.
Có một điểm cuối mà mình không hài lòng về thiết kế S7, là điểm cho thấy Samsung tuy đã rất xuất sắc ở chiếc máy này nhưng vẫn cần để ý hơn một chút nữa, là khay SIM kiêm khay cắm thẻ nhớ. Không rõ có phải vì lý do chống nước hay không mà khay SIM của S7 làm từ nhựa, rất mỏng và cho cảm giác yếu ớt, không hòa hợp với tổng thể máy. Vì S7e là máy 2 SIM kết hợp 1SIM 1 thẻ nhớ nên bạn sẽ phải rất cẩn thận với khay này.
Cũng nói về chống nước, một chiếc điện thoại đẹp, làm từ nhôm và kính 2 mặt thì ít người nghĩ có khả năng chống nước nhưng S7 lại là một sản phẩm đạt tiêu chuẩn IP68, chống nước ở độ sâu 1.5m trong vòng 30 phút. Bạn đừng nghĩ sẽ mang nó xuống hồ bơi quăng quật thoải mái, nhưng chúng ta sẽ an toàn hơn nếu sử dụng S7e khi đi tắm, đi dạo biển hay vô tình làm đổ nước lên trên. Có lẽ, từ nay về sau thì các điện thoại cao cấp cũng sẽ dần biến chống nước thành một tiêu chuẩn mặc định.
Màn hình:
Samsung đã dùng một kích cỡ màn hình cân bằng hơn giữa Galaxy S6e (5.1”) và Galaxy S6e Plus (5.7”), họ trang bị màn hình 5.5” trên Galaxy S7e. Màn hình lớn hơn, cong hai viền cộng với viên pin dung lượng lớn hơn làm Samsung Galaxy S7e có ưu thế hơn hẳn so với S7, không chỉ về mặt hiển thị mà còn cả lựa chọn của người dùng.
Nếu bạn mong đợi một điểm gì đột phá trên màn hình S7e thì có lẽ các bạn đã tìm sai chỗ. Thực chất thì hầu hết các nhà sản xuất lớn đã định hình nên màn hình của họ khoảng hai năm nay, nó đều mang những đặc tính riêng theo từng hãng và không thật sự khác biệt so với thế hệ cũ. Màn hình SuperAMOLED 2K trên S7e vẫn rất tuyệt vời người dùng Samsung, nó cho cảm giác vuốt mượt mà hơn nhờ vào cạnh viền cong, nhưng chất lượng hiển thị thì y như cũ, rực rỡ, sáng và tương phản cao. Với mình thì nó hơi rực rỡ quá nhưng cũng vẫn chấp nhận được, nhiều bạn thì sẽ rất thích.
Cần lưu ý là trong phiên bản SnapDragon mà bọn mình thử cho màu vàng hơn Exynos màu xanh. Đây hoàn toàn là bình thường vì Samsung tinh chỉnh lại màn hình theo “khẩu vị” của từng quốc gia khác nhau.
Có một lưu ý nhỏ là nếu từ Galaxy S6e Plus chuyển sang S7e thì các bạn sẽ thấy hơi lạ, Samsung mặc định để độ phân giải hiển thị hơi thấp, các biểu tượng chương trình sẽ lớn hơn và ít nội dung hiển thị trên màn hình hơn. Chúng ta có thể chỉnh sửa điều này bằng cách dùng mẹo hoặc chờ Android N.
Cấu hình:
Samsung Galaxy S7e chính hãng Việt Nam sử dụng chip xử lý 8 nhân, trong đó có 4 nhân Mongoose. Nghe tên tầm thưởng nhỉ, nhưng đây chính là điểm độc đáo nhất của Galaxy S7e mà Samsung không đề cập. Mongoose, hay còn có tên mã M1 chính là nhân xử lý đầu tiên mà Samsung thiết kế dựa trên vi kiến trúc ARM, giống như Apple làm với A9 hay Qualcomm làm với nhân Kyro trên SnapDragon 820. 4 nhân này hoạt động ở xung nhịp 2.3GHz, kết hợp với 4 nhân Cortex A53 yếu hơn cho những tác vụ nhẹ.
Kết quả benchmark cũng như hiệu năng sử dụng thực tế cho thấy con chip Exynos 8890 của SAmsung hoạt động rất tốt, nếu không muốn nói là mạnh mẽ hơn SnapDragon 820. Với các ứng dụng đơn nhân, 2 nhân lớn Kyro của Qualcomm vẫn chiếm lợi thế tuyệt đối nhưng các ứng dụng đa nhân thể hiện sự vượt trội của 8890 khi mà 8890 hỗ trợ heterogeneous multi-processing, một phần cao của Little.big, cho phép sử dụng các nhân cùng một lúc chứ không phải từng cụm 4 nhân một. Trước kia thì hầu hết các chip Exynos đều hỗ trợ HMP, và Exynos 8890 cũng vậy. Qualcomm thường không có thói quen dùng HMP, trước kia SnapDragon 615, 616 đều không có mà 617 mới có. Trên SnapDragon 820 thì Qualcomm có dùng HMP, nên bạn thấy hiệu năng đa nhân của nó không thua kém quá nhiều so với 8890 dù chỉ có 4 nhân.
Do không có thời gian mà mình không thể phân tích, cũng như không thể thử kỹ về năng lượng tiêu thụ của 8890 so với SnapDragon 820. Tuy nhiên, nhìn vào bảng hướng dẫn của Samsung thì có thể thấy Exynos 8890 rất linh hoạt nó không chỉ kích 4 cụm nhân một, hoặc cả 8 nhân, mà tự động thay đổi tùy theo từng tác vụ một. Ví dụ như có tác vụ nó sẽ kích 2 nhân mạnh, 3 nhân yếu, hoặc chỉ 1 mạnh và 2 yếu, thay 3 mạnh một yếu, miễn sao ít tiêu tốn năng lượng nhất có thể.
Mỗi nhà sản xuất chip xử lý có cách giải quyết khác nhau với cùng một vấn đề, nếu như MediaTek muốn dùng nhiều cụm nhân giống như hộp số của xe hơi, càng nhiều số càng mượt và tiết kiệm nhiên liệu thì Qualcomm và Apple lại chuyển sang ít nhân, nhưng mỗi nhân đều lớn và mạnh mẽ hơn, còn Samsung thì nhét chung cả 4 nhân mạnh với 4 nhân nhỏ. Thế nhưng hệ quả của việc nhét quá nhiều nhân CPU là không còn đủ chỗ cho GPU, hoặc không thể tối ưu hóa GPU làm việc thật sự tốt với CPU. Câu chuyện bắt đầu có vẻ thú vị rồi.
Để ý kỹ, bạn sẽ thấy các giải pháp nhân custom từ các nhà sản xuất chip luôn rất thú vị. Ngoài trừ Qualcomm có GPU của nhà trồng được do mua lại bộ phận chip đồ họa Adreno từ ATI trước kia, nVidia quen làm GPU thì các công ty khác hầu hết đều phải dùng chip đồ họa từ bên thứ 3, chẳng hạn như Apple với Imagination hay dùng GPU Mali của ARM. Apple ở trường hợp đặc biệt vì họ đặt hàng Imagination với số lượng cực kỳ lớn cho 1-2 dòng GPU khác nhau, trong khi Samsung, Huawei, MediaTek hiếm khi làm được vậy vì có rất nhiều dòng chip đồ họa cho nhiều máy với sản lượng nhỏ hơn rất nhiều, do đó giải pháp an toàn và dễ dàng nhất là dùng chip đồ họa của ARM, công ty tạo ra vi kiến trúc cùng tên.
Nhìn vào các con chip cao cấp nhất, chúng ta sẽ hình dung ra cách mà các nhà sản xuất chip dùng GPU: Huawei dùng Mali T880 MP4 với 4 nhân đồ họa trên Kirin 950, MediaTek cũng MaliT880 MP4 4 nhân trên Helio X20/X25 còn Samsung sang chảnh hơn, tới 12 nhân Mali T880 MP12. Kết quả thực tế không cần phải nói nữa, T880 MP12 vượt trội so với 2 con chip kia về hiệu năng đồ họa, dù CPU lại là một câu chuyện khác.
Mạnh mẽ là thế nhưng khi so sánh với SnapDragon 820 thì sao. Adreno 530 của 920 vẫn ở một đẳng cấp khác, nó vượt trội do được Qualcomm thiết kế riêng. Câu chuyện có thể khác nếu như Samsung dùng T880 MP16, cấu hình cao nhất của Mali T880. Có lẽ Samsung đã hơi chùn tay, một phần vì diện tích đế SoC, một phần vì vấn đề nhiệt độ mà chúng ta sẽ chia sẻ kỹ hơn phía dưới. Bản thân Apple khi thiết kế A9 cũng chỉ dừng lại ở PowerVR GT7600, con chip đồ họa với 6 cụm nhân xử lý của Imagination chứ không phải GT7800 hay GT7900, những con chip 8 và 16 cụm nhân đồ họa vốn không thật sự thích hợp cho điện thoại di động. Khi thiết kế iPad Pro thì Apple cũng cắt bỏ 4 cụm nhân của GT7900 còn 12 cụm nhân để giải quyết vấn đề nhiệt độ, nên các bạn hãy cứ yên tâm là việc không dùng GPU bản cao cấp nhất không phải là cái gì quá xa lạ với thế giới điện thoại.
Quay trở về câu chuyện Galaxy S7e, khi thiết kế ra nó thì Samsung đã sử dụng giải pháp tản nhiệt bằng chất lỏng nhằm đảm bảo nhiệt độ ổn định nhất có thể. Dùng thực tế trong thời gian hơn một tuần cho thấy máy gần như không nóng, khá ổn định. Chỉ khi restore lại máy, mạng chạy nhiều, các ứng dụng tải xuống và cài liên tục, hoặc khi chơi game nặng, duyệt web nhiều với 3G thì máy mới ấm lên, nhưng vẫn chưa đến mức quá khó chịu. Còn trong điều khiển sử dụng bình thường thì S7e khá mát, dù bề mặt nhôm kính vốn nổi tiếng nóng.
Camera:
Camera S7e giảm độ phân giải xuống còn 12MP thay vì 16MP. Samsung muốn tăng kích cỡ điểm ảnh lên 1.4 micro thay vì 1.1 trước kia. Họ cũng đồng thời trang bị ống kính f1.7 trên S7e để chụp đêm tốt hơn, và trang bị DualPixel bổ sung thêm khả năng lấy nét theo pha trên từng điểm ảnh, giúp lấy nét nhanh và tức thời hơn.
Về mặt lý thuyết, tất cả những gì mà Samsung trang bị sẽ giúp S7e chụp tối tốt hơn, chất lượng ảnh chụp cao hơn, lấy nét nhanh hơn đáng kể. Còn thực tế thì sao, mình sẽ để các anh Camera.tinhte.vn đánh giá chi tiết, chỉ chia sẻ 1 số nhận định và cảm nhận cá nhân.
Ảnh từ Galaxy S7 rất ổn, chất lượng chụp có thể nói là xuất sắc trong thế giới điện thoại dù không phải là xuất sắc nhất (trong tất cả các ngữ cảnh). Ảnh có chi tiết tốt, màu sắc hài hòa, cách Samsung xử lý ảnh giống S6 và Note 5, tức tự nhiên hơn chứ không can thiệp quá nhiều như thời S5 và Note 4. Tuy nhiên, ảnh vẵn có dấu hiệu bị xử lý sharpen hơi nhiều, có thể là vì Samsung lo ngại giảm độ phân giải sẽ làm một số người dùng không hài lòng.
Chụp đêm, S7e cũng cho cảm nhận tương tự, tức xuất sắc nhưng không phải là xuất sắc nhất, hơi lạ với những nâng cấp mang tính triệt để trên S7e. Lý do không quá khó để giải thích, vì nó có liên quan đến DualPixel.
Nói về DualPixel, nó thật sự có tác dụng. Khi ảnh sáng đủ thì khả năng lấy nét theo pha chứng tỏ tác dụng rất lớn của nó, lấy gần như tức thời mà không phải chờ đợi lâu. Còn khi thiếu sáng, thì cũng như các điện thoại khác, Galaxy S7e vẫn phải kết hợp cả lấy nét tương phản và pha, nên sẽ chậm hơn đáng kể so với ban ngày nhưng vẫn tính là nhanh hơn các đối thủ.
Vì tích hợp DualPixel, nên Samsung không thể chồng quá nhiều lớp linh kiện vào mạch cảm biến, hệ quả là độ nhạy sáng của cảm biến sẽ không tốt như các cảm biến chồng. Bù qua bù lại (ống kính, kích cỡ điểm ảnh) thì khả năng chụp thiếu sáng của S7e có tăng nhiều so với S6e nhưng vẫn chưa phải là xuất sắc nhất.
Trên Galaxy S7e thì Samsung sử dụng hai loại cảm biến riêng biệt, một của hãng và một của Sony. Có vẻ như chất lượng của cảm biến Sony IMX260 và Samsung S5K2L1 không thật sự khác biệt nhau. Năm nay thì Samsung không dùng cố định chip SnapDragon với một loại cảm biến và Exynos với một loại khác nên mình chưa rõ Việt Nam sẽ dùng cảm biến nào. Có vẻ như nước ta chủ yếu là Sony IMX260.
Pin và sạc:
Samsung Galaxy S7e bản SnapDragon hay Exynos ở Việt Nam thì cũng đều hỗ trợ QuickCharge 2.0, không phải 3.0. Có lẽ do là lần đầu tiên tùy biến nhân xử lý nên Samsung không đủ thời nghiên cứu đưa con chip điều khiển QuickCharge 3.0 mới của Qualcomm vào mà vẫn dùng con chip cũ trên Note 4, S6 và Note 5. Hệ quả là bản SnapDragon 820 mặc định có tích hợp nhưng Samsung đã tắt QuickCharge 3.0 đi mà chuyển về chung 2.0 để đồng nhất giữa 2 thiết bị.
Mình chưa thể thử sạc thực tế cũng như test pin chi tiết Galaxy S7e do chưa có thời gian. Thử dùng hơn một tuần thì S7e có thời lượng pin rất ấn tượng với viên pin 3600mAh. Sơ bộ thì có cảm giác pin của máy tốt hơn iPhone 6s Plus, còn chi tiết thì sẽ cập nhật sau.
Kết luận:
Samsung Galaxy S7e là một lựa chọn Android rất tuyệt, nhất là khi giá của nó thấp hơn đáng kể so với Samsung Galaxy S6e của năm ngoái trong khi hoàn thiện hơn và nhiều tính năng hơn. Rõ ràng, Galaxy S7e cùng hệ cộng sinh Gear, cùng các dịch vụ hữu ích như Galaxy Gift sẽ rất thành công, chỉ là vẫn hơi có cái gì đó tiếc nuối ở cổng microUSB, ở một số tinh chỉnh về mặt phần mềm, về sự an toàn hơi thái quá mà Samsung áp đặt trên Galaxy S7e thay vì sáng tạo hơn như họ từng làm trước đó.
Cấu hình Galaxy S7 Edge chính hãng:
- Hệ điều hành: Android 6.0
- Chip xử lý: Exynos 8890 Octa (tám nhân), 4 x 2.3 GHz và 4 x 1.6 GHz, Mali-T880 MP12
- Màn hình: Super AMOLED 5,5" 1440 x 2560, Gorilla Glass 4
- Mặt lưng: kính cường lực Gorilla Glass 4
- Bộ nhớ trong: 32 GB
- Thẻ nhớ: microSD
- RAM: 4 GB
- Camera: 12 MP, F/1.7, 26mm, AF theo pha, OIS, LED flash, cam biến 1/2.6", quay phim 4K@30fps
- Camera trước: 5 MP, F/1.7
- Wi-Fi a/b/g/n/ac, BT 4.2, apt-X, A-GPS, GLONASS, NFC, microUSB
- Chống nước/bụi, sạc không dây Qi
- Sạc nhanh Quick Charge 2.0
- Pin: 3.600 mAh
- Kích thước: 150,9 x 72,6 x 7,7 mm
- Nặng: 157 gram
- Băng tần: LTE Cat 12 (600Mbps xuống), Cat 13 (150Mbps lên), hai SIM
Nguồn: Tinhte