Khoa học - Công Nghệ
Mất tiền oan bởi ứng dụng ngầm và mã độc tự động gửi tin nhắn
Đó là cảnh báo của Công ty An ninh mạng Bkav. Theo cảnh báo này thì hiện có đến hơn 22,7% Smartphone ở Việt Nam từng bị lây nhiễm mã độc và trong đó riêng các mã độc gửi tin nhắn tới đầu số dịch vụ nội dung có thu phí đã khiến khách hàng thiệt hại một khoản tiền rất lớn.
Người viết bài này cũng là một nạn nhân của tình trạng đó. Đầu tháng 5/2014, khi nhận thông báo cước di động trả sau tháng 4/2014 của dịch vụ Viettel tôi cực choáng khi thấy tổng cước tăng vọt so với bình thường trong đó riêng cước dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) đã hơn 420.000 đồng mặc dù tôi không hề sử dụng các dịch vụ này.
Khách hàng giật mình vì hoá đơn tính cước GTGT hơn 400 ngàn đồng. |
Khiếu nại tới nhà mạng thì được cho biết: Khoản cước GTVT nói trên là do khách hàng đã có 30 tin nhắn đến các đầu số dịch vụ gồm 6731 (của Công ty TNHH Minh Phúc), đầu số 6765 của Trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng thuộc Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC Online) và đầu số 8782 của Công ty CP Đầu tư công nghệ và truyền thông Delta. Giá dịch vụ của mỗi tin nhắn là 15.000 đồng.
Trên thực tế tôi không hề biết những đầu số này cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng gì và cũng không hề gửi bất cứ tin nhắn nào đến các đầu số nói trên. Sau khi khiếu nại, thông qua nhà mạng tôi đã nhận được sự hồi âm của 3 công ty trên. Cụ thể, Công ty Minh Phúc quản lý đầu số 6731 cho rằng nguyên nhân phát sinh cước giá trị gia tăng do khách hàng cài đặt ứng dụng Viber về máy và bị trừ tiền nhiều lần?!
Qua kiểm tra công ty này nhận thấy đã… trừ nhầm 4 tin của khách hàng và đề nghị hoàn lại số tiền 60.000 đồng cho khách hàng. Phản hồi từ VDC Online nơi quản lý đầu số 6765 thì cho rằng khách hàng đã “nhắn 7 tin đến đầu số 6765 để tải ứng dụng Viber.apk về máy và đã được đầu số này phản hồi thành công”. Đặc biệt Công ty CP Đầu tư công nghệ và truyền thông Delta nơi quản lý đầu số 8782 cho rằng số máy của tôi đã phát sinh 19 tin nhắn đến đầu số này, nguyên nhân do… đã kích hoạt và sử dụng ứng dụng face book trên điện thoại?! Không hề nhắn tin và nhận được sự cảnh báo đồng ý sử dụng dịch vụ như lời giải thích của các công ty cung cấp đầu số dịch vụ nhưng khách hàng vẫn bị trừ tiền một cách vô tội vạ. Đặc biệt trong phản hồi nêu trên những công ty cung cấp dịch vụ GTGT tăng này cũng giấu biệt địa chỉ, điện thoại để khách hàng miễn… khiếu nại tiếp. Tự mày mò trên mạng người viết bài này có được điện thoại của Công ty CP Đầu tư công nghệ và truyền thông Delta 0437545113 nhưng gọi vào số máy này rất nhiều lần không bao giờ có người… nhấc máy.
Thông qua báo chí Công ty An ninh mạng Bkav đã cảnh báo mỗi ngày, khoảng 262.000 điện thoại di động (ĐTDĐ) bị nhiễm loại mã độc gửi tin nhắn SMS đến đầu số tính phí. Đây là các đầu số thu phí 15.000 đồng/tin nhắn. Tính ra, mỗi ngày, người dùng ĐTDĐ ở Việt Nam bị “móc túi” 3,9 tỷ đồng. Các loại mã độc này được “nhúng” sẵn vào trong các ứng dụng và được tung lên mạng. Khi lừa được người dùng cài đặt, mã độc sẽ tự động gửi tin nhắn đến các đầu số dịch vụ GTGT (CP) với các cú pháp tin nhắn được cài sẵn. Kết quả điều tra cho thấy mức độ thiệt hại của người dùng là rất lớn nhưng đa phần họ đều không biết mình bị mất tiền bởi các tin nhắn này được gửi đi âm thầm…
Sử dụng các ứng dụng ngầm, cài mã độc tự động gửi tin nhắn để móc túi khách hàng đang là vấn đề bức xúc đối với những người dùng điện thoại di động. Trên nhiều trang báo các diễn đàn rất nhiều khách hàng đã chia sẻ và bức xúc với tình trạng này. Thậm chí có những khách hàng mất tới hàng triệu đồng cho những loại tin nhắn tới các đầu số dịch vụ mà mình không hề thực hiện. Và mỗi ngày trôi qua, rất nhiều khách hàng vẫn bị âm thầm móc túi mà không hề hay biết. Chỉ đến một ngày khi nhận được hoá đơn điện thoại tăng vọt mới giật mình thì đã muộn. Đây đang là vấn đề bức xúc mà Thanh tra Bộ Thông tin Truyền Thông phải có những biện pháp mạnh để xử lý nghiêm vi phạm. Hàng loạt các công ty cung cấp đầu số dịch vụ thu phí mọc lên như nấm sau mưa và không phải vô cớ mà hàng loạt mã độc, dịch vụ ngầm mỗi ngày vẫn âm thầm chuyển vào tài khoản của những đơn vị này nhiều tỷ đồng nên không thể cho rằng những công ty này hoàn toàn vô can trong tình trạng đó. Riêng đối với các nhà mạng những đơn vị đã liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ GTGT cũng không thể đứng ngoài trách nhiệm.
Cuối tháng 4/2014, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (PC50)-Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá một nhóm đối tượng sử dụng phần mềm gián điệp tự động nhắn tin đến các đầu số CP để chiếm đoạt tiền của hàng loạt thuê bao ĐTDĐ. Các nghi phạm bị bắt, gồm Hà Xuân Tiến, Nguyễn Đức Lực, Nguyễn Văn Tú - nhân viên Công ty TNHH Đầu tư, Xây dựng và Thương mại Soloha và Trần Ngọc Hải, chủ sở hữu website adrocket.vn. Thủ đoạn của nhóm này là lập ra các website phân phối ứng dụng Android (adrocket.vn, soundfest.com.vn và clickdi.com). Khi chủ thuê bao dùng smartphone sử dụng hệ điều hành Android cài đặt các ứng dụng tải về từ các trang này vào máy, ứng dụng tự động sẽ gửi tin nhắn ngầm đến các CP với mức phí 15.000 đồng. Sau đó, nhóm lừa đảo sẽ được phân chia lại lợi nhuận với các dịch vụ đầu số từ tiền nhắn tin thu được. Với thủ đoạn lừa đảo trên, từ cuối năm 2013 đến nay, ổ nhóm này đã chiếm đoạt khoảng 2,1 tỷ đồng từ hơn 100.000 tài khoản thuê bao điện thoại trên cả nước. Riêng từ đầu năm 2014 đến thời điểm kiểm tra, Hải đã thu lợi 850 triệu đồng
Nguồn: cand.com.vn