Khoa học - Công Nghệ
Tội phạm công nghệ cao đang hoạt động phức tạp
(Congannghean.vn)- Tội phạm công nghệ cao (TPCNC) - loại tội phạm mới, tinh vi, phức tạp và hết sức nguy hiểm. Gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng đã không ít lần đưa tin về những hậu quả khôn lường mà loại tội phạm này gây ra. Trước tình hình diễn biến ngày càng gia tăng và mức độ nguy hại của loại tội phạm này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2014/NĐ-CP ngày 07/04/2014 “Quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao” có hiệu lực kể từ ngày 22/5/2014.
TPCNC là loại tội phạm lợi dụng sự tiến bộ, phát triển của khoa học công nghệ để hoạt động phạm tội trên các lĩnh vực. Loại tội phạm này có các dạng: Một là, tội phạm liên quan đến vấn đề an ninh mạng; mục tiêu của các đối tượng là máy tính và mạng máy tính… để trộm cắp dữ liệu, phá hoại, làm tắc nghẽn đường truyền, lây lan virus trong hệ thống máy tính.
Hai là, loại tội phạm truyền thống nhưng sử dụng công nghệ cao, tức là sử dụng máy tính, mạng máy tính để thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ lấy cắp thông tin cá nhân để làm giả thẻ, trộm cắp tiền bạc, lừa đảo bằng hình thức nhắn tin, bán hàng giả… Ngoài ra, chúng còn sử dụng công nghệ cao để chơi cờ bạc, cá độ bóng đá, kinh doanh trái phép, trốn thuế, xâm phạm bản quyền máy tính, bản quyền sở hữu trí tuệ…
Ảnh minh họa |
Cách thức hoạt động của loại tội phạm này rất đa dạng, vấn đề xoay quanh nó cũng rất phong phú, phức tạp mà trong khuôn khổ bài viết này không thể đề cập hết được. Chỉ xin đưa ra một số ví dụ như sau: Chúng thông qua các hình thức lừa nạp thẻ điện thoại, thẻ game hoặc lừa đảo tiền mặt với tổng giá trị thiệt hại quy đổi bằng tiền mặt lên tới hàng trăm triệu đồng và nhiều khi hơn thế.
Phương thức tiếp cận “con mồi” của các đối tượng lừa đảo chủ yếu thông qua các công cụ chát trực tuyến hoặc mạo danh nhân viên bằng cách trao đổi qua yahoo, facebook, game… Sau đó, chúng câu khách vào các wesite lừa đảo và thông báo khách hàng đã trúng thưởng khuyến mãi với giá trị lớn. Để làm thủ tục nhận giải thưởng, khách hàng cần nạp thẻ cào điện thoại… Chiêu lừa đảo này đánh vào tâm lý những người nhẹ dạ, cả tin, chỉ hám lợi trước mắt mà không tỉnh táo suy tính trước sau nên dễ dàng mắc bẫy kẻ lừa đảo.
Một ví dụ khác về TPCNC là sử dụng mạng xã hội để hoạt động. Đây là mảnh đất khá “màu mỡ”, “nhiều miếng mồi ngon” cho chúng “thả cần câu”. Các đối tượng ăn cắp password (mật khẩu) email, facebook… lấy trộm thông tin, tài liệu để thực hiện các hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mạo danh bôi nhọ người khác. Một thủ đoạn khác nữa là các đối tượng lập website giả danh ngân hàng để lừa đảo tiền của nhân dân…
Hiện nay, TPCNC phát triển rất nhanh, ngày càng gia tăng, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, phạm vi hoạt động lớn và có tính chất toàn cầu, liên kết toàn cầu. Thủ phạm đa số là người trẻ, có trình độ công nghệ cao, hoạt động tội phạm ít để lại dấu vết nên khó phát hiện, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Chính vì vậy, trong quá trình đấu tranh chống TPCNC, đòi hỏi phải có bản lĩnh, nghiệp vụ vững vàng, đặc biệt phải có trình độ cao, nhất là kiến thức về công nghệ thông tin cũng như các trang bị khác để sẵn sàng đấu tranh. Hơn nữa, mỗi người dân là bị hại cần kịp thời phản ánh, báo cáo để các cơ quan chức năng kịp thời điều tra và xử lý, nhất là hãy luôn sáng suốt, tỉnh táo và là người dùng công nghệ cao thông minh trong thời đại mới để hạn chế các hệ lụy đáng tiếc xảy ra.
Đinh Thị Bích Thủy