Khát khao nguồn sáng
Là con trai thứ tư trong một gia đình luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục nên ngay từ nhỏ Wadongo học hành rất chăm chỉ. Nhưng vì nhà không có điện nên 4 anh chị em Wadongo phải dùng chung duy nhất chiếc đèn dầu. Chiếc đèn dầu cháy leo lét chỉ đủ chiếu sáng một góc bàn. Ánh sáng bập bùng, khói đen bay ra… khiến Wadongo luôn có cảm giác mắt cay xè, phải dụi liên tục, làm thời gian học liên tục bị ngắt quãng.
“Trong làng, nhiều trẻ em bỏ học vì không có điện. Gia đình chúng cũng không có tiền mua dầu để thắp đèn. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng nếu như có thể làm bất cứ điều gì để cải thiện tình trạng này, tôi sẽ cố hết sức” - Wadongo cho biết. Giấc mơ của Wadongo bắt đầu trở thành hiện thực năm anh 19 tuổi khi đang theo học trường ĐH Nông nghiệp và Công nghệ Kenya. Khi ấy, Wadongo cùng một nhóm sinh viên khác trong trường tham dự một buổi thử nghiệm về các loại đèn LED dùng trong dịp Giáng sinh. Theo các nhà diễn thuyết, có một giải pháp thay thế khá ổn định (không gây độc hại) cho việc chiếu sáng ở những vùng không có lưới điện, đó là sử dụng năng lượng Mặt trời, tuy nhiên, đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, thu nhập thấp thì chi phí này cho việc chiếu sáng cũng vẫn không hề rẻ.
Evans Wadongo cùng với chiếc đèn năng lượng Mặt trời MwangaBora |
Trên đường về nhà, Wadongo ghé thăm một người bạn đam mê thí nghiệm làm tấm thu năng lượng Mặt trời, rồi bắt gặp hình ảnh các nghệ nhân ngồi đan đèn lồng trong những xưởng gia công. Trong đầu anh chợt nảy ra ý tưởng sản xuất đèn lồng sử dụng năng lượng Mặt trời. Sau nhiều lần mày mò, năm 2004, Evans đã tự thiết kế một đèn năng lượng Mặt trời mà anh gọi là “MwangaBora” (tiếng Swahili có nghĩa là “Good Light”).
Coi đây là việc làm quan trọng để giải quyết vấn đề giáo dục cho người nghèo, sự biến đổi khí hậu, y tế và đói nghèo ở khu vực nông thôn ở Kenya, Evans đặt tên cho toàn bộ dự án là “Use Solar, Save Lives” (Sử dụng năng lượng Mặt trời, cứu giúp cuộc sống). Theo đó, chiếc đèn được làm từ vật liệu tái chế chiếm 50 - 70%, có sử dụng tấm pin Mặt trời nhỏ, trong lồng có đèn LED. Sau khi sạc trong vòng 8 - 10 tiếng, nó có thể cung cấp năng lượng và sử dụng tối thiểu từ 6 - 10 tiếng.
Chỉ cần một bóng đèn
Để giúp dự án bắt đầu, gia đình và bạn bè đã đứng ra vay quỹ sinh siên cho Wadongo. Ban đầu, kế hoạch sản xuất gặp không ít khó khăn, nhưng chàng trai trẻ Wadongo vẫn kiên trì vừa mày mò tìm hiểu, nghiên cứu, vừa tiếp tục thử nghiệm cho ra các lồng đèn sử dụng năng lượng Mặt trời. Năm 2006, anh tham gia vào SDFA-Kenya - một tổ chức phi lợi nhuận ở Kenya. SDFA-Kenya đã thông qua dự án “Use Solar, Save Lives” của Evans và coi nó như là một dự án chính của tổ chức.
Nhờ có những chiếc đèn năng lượng Mặt trời của Evans mà bây giờ trẻ em nghèo Kenya có thể học bài vào buổi tối. Các hộ gia đình có thể mua thực phẩm với số tiền họ tiết kiệm được khi không phải mua dầu đốt đèn. Ngoài ra những chiếc đèn năng lượng Mặt trời của anh còn giúp giảm lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính. Đối với người dân ở nhiều nơi trên đất nước Kenya, cuộc sống đã thay đổi đáng kể nhờ vào đèn năng lượng Mặt trời của Evans.
Tháng 7/2011, để đáp ứng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đang gia tăng, Wadongo tung ra kế hoạch “Just One Lamp” - chỉ cần một bóng đèn, một chiến dịch toàn cầu để huy động vốn và nâng cao nhận thức trong việc sử dụng đèn năng lượng Mặt trời MwangaBora. Wadongo hy vọng sẽ mở rộng mô hình của mình ra ngoài biên giới Kenya tới các quốc gia đang phát triển khác trên thế giới với mục tiêu thắp sáng 100.000 ngôi nhà khó khăn đến trước năm 2015 và 1 triệu người thoát khỏi đói nghèo vào năm 2018.