Kinh tế xã hội
Những người giữ lửa làng nghề
09:02, 15/10/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Là nghề cha truyền con nối có hàng trăm năm tuổi, tuy đã mai một theo thời gian nhưng làng Yên Đồng vẫn có những người đam mê với “tay quai, tay búa”. Do đó, làng nghề thợ rèn ở làng Yên Đồng vẫn bền bỉ sống với thời gian.
Nghề thợ rèn ở làng Yên Đồng, xã Diễn Vạn là nghề truyền thống cha truyền con nối và trở thành một nghề có hàng trăm năm tuổi |
Là đời thứ 4 trong gia đình làm nghề thợ rèn, ngay từ khi mới 12 tuổi, mỗi ngày anh Trần Văn Thắng trú tại xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu đã “tay quai, tay búa” theo cha học nghề. Nhờ cần cù học hỏi nên đến năm 19 tuổi, anh đã được cha giao quyền quản lý lò rèn của gia đình. Anh luôn ý thức rằng, chính nghề cực nhọc này đã nuôi sống nhiều thế hệ trong gia đình mình. Chính bố anh nhờ nghề rèn đã nuôi anh trưởng thành, điều đó thôi thúc anh luôn giữ lấy nghề mà ông cố để lại. Ngày nay, đã có thêm một số thiết bị phụ trợ như máy thổi, máy tiện, máy mài... nên nghề rèn cũng đỡ vất vả hơn. Tuy vậy, không ít người đã bỏ nghề truyền thống để theo nghề khác mưu sinh. Riêng với bản thân anh vẫn quyết tâm theo đuổi nghề cha ông để lại. Nhờ chăm chỉ, nghề rèn đã cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.
64 tuổi đời, ông Trần Văn Thanh được xem là người có thâm niên trong nghề rèn tại làng quê này. Từ nhỏ, ông đã được cha mình truyền dạy những bí quyết trong nghề rèn nên ngay khi còn trẻ, ông đã trở thành thợ rèn lành nghề nổi tiếng khắp vùng. Sản phẩm rèn của ông luôn được bà con trong vùng tín nhiệm bởi chất lượng rất tốt. Đến nay, ông Thanh vẫn say sưa làm việc để giữ và truyền nghề. Chia sẻ về bí quyết giữ nghề và giữ khách của mình, ông Thanh cho biết: “Muốn giữ được nghề thì phải có uy tín, muốn uy tín thì sản phẩm phải đảm bảo chất lượng cho khách. Khi người ta mua dùng thấy đúng lời mình cam kết ban đầu thì họ sẽ quay lại. Đó là bí quyết làm việc của tôi”.
Hiện nay, ở làng Yên Đồng chỉ còn gần chục hộ làm nghề rèn, sản phẩm làm ra thì nhiều nhưng chủ yếu là các loại nông cụ như: cuốc, vét, xẻng, dao, rựa… Để giữ uy tín với khách và tạo thương hiệu riêng cho mình, trên mỗi sản phẩm đều được khắc tên riêng của người làm ra nó. Người dân nơi đây xem như một loại phiếu bảo hành để khi sản phẩm bị hư hỏng hoặc không đạt yêu cầu, người thợ dựa vào đó để đổi, sửa cho khách hàng. Chính vì vậy, hiện nay trên thị trường có nhiều công cụ bằng sắt được sản xuất từ các nhà máy có mẫu mã đẹp, nhưng sản phẩm từ làng nghề rèn của làng Yên Đồng, xã Diễn Vạn vẫn được khách hàng lựa chọn.
Ông Hoàng Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn cho biết, nghề rèn ở làng Yên Đồng có hàng trăm năm tuổi. Ngày nay khi khoa học càng phát triển thì nghề thợ rèn trở thành nghề cổ và có nguy cơ mai một. Trước thực trạng trên, chính quyền đã tạo điều kiện cho các thợ rèn tham quan, học tập thêm nghề rèn của các địa phương có thương hiệu tốt hơn để về nhân rộng.
Cao Loan