Kinh tế xã hội

Nguy cơ làng nghề đóng tàu hơn 700 năm tuổi chỉ còn là... ký ức

15:15, 03/06/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Dù có truyền thống hơn 700 năm và được mệnh danh là “thủ phủ” đóng tàu thuyền của tỉnh, nhưng hiện nay các cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền trên địa bàn xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc đang gặp nhiều khó khăn, từ nguồn vốn, nguyên liệu cho tới nguồn hàng, các xưởng đều vắng vẻ, nhiều thợ đã bỏ nghề vì không có việc…

Các xưởng đóng tàu giờ lâm vào cảnh u ám, hoang tàn
Các xưởng đóng tàu giờ lâm vào cảnh u ám, hoang tàn
Đìu hiu, vắng lặng, đó là những gì đang diễn ra tại xưởng đóng tàu vỏ gỗ của ông Võ Thế Xâm, 62 tuổi một trong những xưởng đóng tàu lớn nhất tại làng nghề đóng tàu vỏ gỗ Trung Kiên thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc - Nơi được biết đến là cái nôi của nghề đóng tàu ở tỉnh Nghệ An. Theo ông Xâm đã hơn hai năm nay, cơ sở đóng tàu thuyền của ông không thể đóng mới và hạ thủy được chiếc tàu nào.  
 
Không chỉ riêng cơ sở đóng tàu thuyền của gia đình ông Xâm mà tất cả các cơ sở đóng tàu thuyền khác thuộc HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên đều rơi vào cảnh tương tự.  Vào thời kỳ hoàng kim của nghề đóng tàu vỏ gỗ những năm 2016 – 2017,  HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên có tới 40 cơ sở đóng tàu gỗ hoạt động hết công suất, ngày ngày rộn ràng tiếng lóc cóc, mà vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của ngư dân.
 
Ông Võ Thế Xâm, nhớ lại: “Trước đây khoảng 05 năm, nhu cầu đặt hàng nhiều lắm, nhiều khi làm đêm còn không hết việc, xưởng của tôi thậm chí còn phải thuê các thợ từ các tỉnh ngoài Hải Phòng , Nam  Định về để làm, bao cơm, bao ở cho họ mà vẫn không đủ thợ, giờ các cô các chú nhìn mà xem, buồn lắm”.
 
Nghề biển gặp khó khăn, hải sản đánh bắt ngày càng cạn kiệt cùng với chủ trương đánh bắt đang hướng đến xa bờ với nhiều ưu đại cho những tàu có công suất lớn, hiện đại bằng vỏ thép… vì vậy, nhiều ngư dân không còn tha thiết đầu tư đóng mới thuyền vỏ gỗ. Thực trạng này đã khiến cho các xưởng đóng thuyền gỗ ngày càng vắng khách. Bây giờ đến làng nghề Trung Kiên, gần như các xưởng đóng thuyền không còn hoạt động, nhiều thợ đã bỏ nghề do không có việc.
Ông Nguyễn Gia In - Chủ nhiệm Hợp tác xã đóng tàu thuyền Trung Kiên nhớ về thời kỳ hoàng kim của làng nghề
Ông Nguyễn Gia In - Chủ nhiệm Hợp tác xã đóng tàu thuyền Trung Kiên nhớ về thời kỳ hoàng kim của làng nghề
Ông Nguyễn Gia In - chủ nhiệm Hợp tác xã đóng tàu thuyền Trung Kiên (Nghi Thiết – Nghi Lộc) buồn bã nói: “Làng đóng tàu thuyền Trung Kiên có truyền thông lịch sử cách đây hơn 700 năm, trong quá khứ từng đóng những con tàu cho nhà vua, trong chiến tranh từng đóng các con tàu không số, những năm gần đây làng nghề gặp khó, hai ba năm không đóng thêm được chiếc tàu nào,một số thành viên trong Hợp tác xã cũng đã đề xuất với tôi nên giải thể Hợp tác xã
 
Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết thêm, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 25 cơ sở đóng tàu. Trong đó, làng nghề đóng tàu Trung Kiên có quy mô lớn nhất cả tỉnh với bề dày lịch sử 700 năm, lao động tại đây rất giỏi và có kinh nghiệm, từng đóng những con tàu võ gỗ to nhất tỉnh. Hiện làng nghề đang gặp muôn vàn khó khăn, Chi cục Thủy sản cũng đang tìm mọi cách để hỗ trợ và khôi phục cho làng nghề. 
Máy móc phục vụ cho hoạt động đóng tàu phải đắp chiếu
Máy móc phục vụ cho hoạt động đóng tàu phải đắp chiếu
Trong những năm gần đây, theo nội dung luật thủy sản 2017 hướng tới khai thác thủy hải sản một cách bền vững thì số lượng tàu đóng mới vỏ gỗ có chững lại, riêng toàn tỉnh Nghệ An thì 2,3 năm trở lại đây không đóng mới thêm chiếc tàu vỏ gỗ nào vì vậy việc tạo công ăn việc làm cho số lượng lao động đóng tàu vỏ gỗ dư thừa cũng là một vấn đề. Về phương diện quản lý, chúng tôi cũng động viên bà con chuyển đổi nghành nghề sang làm mộc, sửa chữa……bên cạnh đó chúng tôi cũng quảng bá cho bà con ngư dân trong và ngoài tỉnh biết đến tên tuổi , chất lượng, hình ảnh của làng nghề” ông Lương chia sẻ.
 
Nghề đóng tàu gỗ giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, có thu nhập ổn định hơn. Chính vì vậy, khi nghề này gặp khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều lao động. Hiện nay, các chủ xưởng đóng tàu ở xã Nghi Thiết đang đứng ngồi không yên, bởi chưa biết phải làm gì để có đơn hàng, vực dậy nghề truyền thống này.
Văn Hậu

Các tin khác